Tiềm năng về rừng và thảm thực vật

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở huyện phong điền tỉnh thừa thiên huế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa (Trang 45 - 46)

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

2.1.1.8.Tiềm năng về rừng và thảm thực vật

Theo tổng kiểm kê đất năm 2005 toàn huyện có 56,97 nghìn ha đất lâm nghiệp có rừng, chiếm 59,7% diện tích tự nhiên. Trong đó rừng tự nhiên có 28,2 nghìn ha, nhìn chung rừng tự nhiên phát triển tốt nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Trữ lượng gỗ khoảng 800.000 m3 với nhiều loại gỗ quí như: lim, kiền kiền, sến... và nhiều loại lâm sản khác như: mây, tre, nứa, lồ ô... Động vật rừng đa dạng và có một số loài như sao la, gà lôi mào trắng thuộc nhóm động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Rừng trồng có diện tích 7,8 nghìn ha hiện đang được trồng chủ yếu ở các vùng gần khu dân cư (đồng bằng: 4,8 nghìn ha, đồi núi: 2,5 nghìn ha, ven biển: 0,4 nghìn ha). Diện tích đất trống đồi núi trọc còn rất lớn: 31,8 nghìn ha, đây là tiềm năng thế mạnh để phát triển nông lâm nghiệp, đồng thời cũng là một thách thức đối với huyện trong việc bảo vệ môi trường, chống xói mòn, rửa trôi và huỷ hoại đất.

Qua nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của huyện Phong Điền có thể rút ra một số thuận lợi và hạn chế, thách thức như sau:

● Thuận lợi

- Ở vị trí trung độ của cả nước, nằm trên trục giao thông quan trọng là quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt nên có điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giao lưu, trao đổi hàng hoá và tiếp thu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới.

- Đất đai khá màu mỡ, diện tích đất trống đồi núi trọc còn rất lớn, khí hậu, thời tiết thuận lợi cho sinh trưởng phát triển nhiều loại cây trồng. Trong tương lai có thể tập trung đầu tư để phát triển vùng này thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đây là một lợi thế quan trọng cần tập trung khai thác.

- Tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trữ lượng một số khoáng sản lớn, đủ để đầu tư khai thác công nghiệp như: đá vôi, than bùn, nước khoáng... đây chính là những tiềm năng tiềm tàng, khi có điều kiện khai thác sẽ làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế xã hội của huyện.

- Bờ biển khá dài, có đầm phá lớn và nhiều chất hữu cơ, là nơi cư trú và phát triển của tôm, cá... tạo điều kiện cho ngư nghiệp và công nghiệp chế biến phát triển.

- Là nơi có nhiều cảnh quan đẹp nằm không quá xa quần thể di tích cố đô Huế, giao thông đi lại dễ dàng, nếu được đầu tư tốt sẽ sớm trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

● Hạn chế

- Thời tiết, khí hậu khá khắc nghiệt, hạn hán khô nóng vào mùa hè, mưa bão, lũ lụt vào mùa mưa gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

- Địa hình dốc, các sông, suối đều ngắn và cạn nên về mùa mưa lượng nước chảy xiết gây nên hiện tượng xói lỡ mạnh, về mùa khô nước cạn nhanh, lưu lượng thấp, gây thiếu nước ngọt cho sản xuất cũng như sinh hoạt và nạn nước biển tràn vào làm cho đất đai bị nhiễm mặn.

- Đất trống đồi núi trọc, đặc biệt là đất cát và đất bạc màu trơ sỏi đá có diện tích lớn, nếu không có biện pháp che phủ, cải tạo bằng các loại cây lâm, nông nghiệp sẽ còn tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến môi sinh môi trường trong tương lai.

Tóm lại, Phong Điền có đầy đủ những lợi thế và thách thức cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển cần phải biết khai thác tối đa các lợi thế và hạn chế đến mức thấp nhất các khó khăn thách thức.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở huyện phong điền tỉnh thừa thiên huế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa (Trang 45 - 46)