3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.5.1. Những chuyển biến tích cực của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngàn hở
Qua phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trên địa bàn huyện Phong Điền cho chúng ta thấy rằng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở đây đã có những chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cụ thể như sau:
● Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch đúng hướng
Trong giai đoạn này, cơ cấu có sự chuyển dịch, tỷ trọng giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp tăng dần, tỷ trọng của ngành nông lâm ngư giảm dần. Bên cạnh cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế của huyện Phong Điền đang từng bước hình thành theo hướng tích cực. Các vùng đồng bằng, vùng gò đồi miền núi, vùng đầm phá ven biển đã được đầu tư theo các chương trình dự án trọng điểm, phân bổ lại lao động để phát huy tốt hơn các thế mạnh của huyện. Sự phát triển giữa các vùng đã có sự đồng đều hơn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa đã được chú trọng đầu tư hơn thời gian trước.
Trong những năm qua nền kinh tế của huyện được phát triển với nhiều thành phần kinh tế. Cơ cấu kinh tế giữa các thành phần chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi thành phần nhằm phát triển lực
lượng sản xuất, thực hiện từng bước tiến bộ và công bằng xã hội. Khu vực kinh tế nhà nước đang từng bước được sắp xếp lại theo hướng tích cực. Khu vực kinh tế tư nhân, cá thể được khuyến khích phát triển đã góp phần mở rộng trang trại, phát triển ngành nghề, giải quyết thêm việc làm, tăng thêm sản phẩm xã hội.
● Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt cao
Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt 10,63%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh Thừa Thiên Huế cùng thời kỳ 9,6%; trong đó các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đều có tốc độ tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng của ngành nông-lâm- ngư nghiệp.
● Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, kinh tế thành phần, cơ cấu vốn đầu tư cũng có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt nguồn nội lực
Giai đoạn vừa qua vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp trên thông qua vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh hoặc qua trợ cấp cân đối ngân sách huyện chiếm tỉ trọng cao nhưng có xu thế giảm xuống. Các cơ quan có thẩm quyền của huyện có phần chủ động hơn trong quyết định đầu tư thông qua thực hiện chính sách “đổi đất lấy hạ tầng”, “đổi đất lấy đô thị”. Cơ cấu vốn đầu tư bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng ưu tiên cho cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế dân doanh có tốc độ phát triển cao và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn; bắt đầu tranh thủ được nguồn vốn viện trợ không hoàn của chính phủ nước ngoài (Phần Lan) trong chương trình phát triển nông thôn giai đoạn 2004-2008.
● Cơ cấu lao động trên địa bàn đang có sự chuyển dịch phù hợp với sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế
Tuy số lao động nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn nhưng trong các hộ nông dân đang có xu hướng chuyển dần sang hộ bán thuần nông, chuyển từ
sản xuất độc canh cây lúa sang kết hợp chăn nuôi, nuôi cá nước ngọt, áp dụng mô hình kinh tế trang trại hoặc mở thêm ngành nghề dịch vụ. Mặt khác, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên, thanh niên nông thôn có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nhờ vậy tỷ trọng lao động nông nghiệp sẽ giảm để tăng tương ứng cho khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
3.5.2. Những hạn chế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở huyện Phong Điền