3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.3.1.2. Kinh nghiệm Hàn Quốc
Hàn Quốc là một nước công nghiệp mới phát triển xếp là nước có kinh tế thị trường đứng thứ 11 trên thế giới. Hàn Quốc đã chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực: tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP từ 33,6% năm 1975 lên 43,2% năm 1995 và 40,2% năm 2001; tăng tỷ trọng ngành dịch vụ từ 42% GDP vào năm 1975 lên 50,9% năm 1995 và năm 2001 là 54,6%; giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP từ hơn 60% xuống còn 24,5% vào năm 1975; 6,2% năm 1995 và chỉ còn 5,2% vào năm 2001. Có sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế ngành như trên là do:
- Hàn Quốc lựa chọn mô hình chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá “rút ngắn”: rút ngắn thời kỳ xây dựng cơ cấu ngành thay thế nhập khẩu, nhanh chóng chuyển sang xây dựng cơ cấu ngành hướng về xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành của Hàn Quốc bắt đầu từ cơ cấu nông nghiệp sang cơ cấu công nghiệp, từ công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn sang công nghiệp sử dụng công nghệ cao nhưng với thời gian rút ngắn hơn.
- Lựa chọn cơ cấu ngành dựa trên lợi thế so sánh của đất nước. Những năm 1960, để khai thác và sử dụng nguồn lao động dồi dào, Hàn Quốc phát triển mạnh các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động như dệt may, tơ sợi, giày dép và các sản phẩm thuộc da. Vào thập niên 1970 lựa chọn các
ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao. Đã chuyển đổi cơ cấu công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn sang công nghiệp sử dụng công nghệ cao.
- Thực thi linh hoạt chính sách tự do hoá thương mại, nới lỏng các hạn chế đối với việc nhập khẩu các mặt hàng chế tạo thực hiện tự do hoá nhập khẩu; giảm tỷ lệ thuế quan bình quân từ 23,7% năm 1983 xuống 8,9% năm 1993; bỏ hàng rào phi thuế quan đối với nhiều loại hàng hoá và dịch vụ, kể cả dich vụ tài chính; đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
- Đã từng bước thực hiện tự do hoá đầu tư nước ngoài. Để tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hàn Quốc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tạo hành lang pháp lý, có chính sách ổn định tiền lương, giá thuê đất, ủng hộ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích các nhà đầu tư chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và đặc biệt là cải cách thể chế.
- Chuyển đổi cơ cấu nhập khẩu, lựa chọn một cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu linh hoạt theo hướng đa dạng hoá để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Suốt ba thập kỷ qua, thị trường xuất khẩu chính của Hàn Quốc là Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và Đông Nam Á.
- Khi xu hướng khu vực hóa tăng lên, môi trường trong nước và thương mại quốc tế phát triển bất lợi, Hàn Quốc đã cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển các ngành cần nhiều lao động, công nghệ thấp sang các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Caribê và phát triển các ngành công nghệ cao để cạnh tranh với hàng hóa của Mỹ, Nhật Bản. Khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ xảy ra, mặt trái của sự phát triển quá nóng vội và cơ cấu kinh tế bất cân đối của Hàn Quốc đã bộc lộ rõ, chính điều này đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giảm sút và tình hình chính trị - xã hội bất ổn. Trước thực tế này, Hàn Quốc đã tiến hành những điều chỉnh mới, ưu tiên đẩy mạnh cải cách chính sách tài chính - tiền tệ, khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng tự do hóa thương mại, đầu tư, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật không ngừng để phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thế giới [17].
Qua phân tích những thành tựu và kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của một số nền kinh tế đã, đang phát triển và chuyển đổi có thể rút ra một số bài học sau đây:
● Nâng cao khả năng tiếp thu công nghệ, hoàn chỉnh môi trường để công nghệ đó phát huy hiệu quả với phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế quốc dân thông qua chính sách đào tạo và phát triển. Đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, tư duy mới, thông thạo ngoại ngữ để chủ động trong các chương trình đàm phán, xây dựng các chính sách kinh tế.
● Thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp các kết cấu hạ tầng tốt, tạo môi trường pháp lý rõ ràng, nhất quán, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh.
● Cải cách và phát triển hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia phù hợp với sự di chuyển nhanh và phổ biến của dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế. điều chỉnh cơ cấu vốn vay, trả nợ một cách linh hoạt và có sự kiểm soát theo hướng cân đối với quy hoạch đầu tư phát triển, cơ cấu ngành đã lựa chọn.
● Kiên trì mô hình kinh tế thị trường mở và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế dựa vào tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh “tĩnh” và “động” của đất nước.
● Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, phát triển thị trường chứng khoán để huy động vốn, thu hút vốn nước ngoài, phát huy nguồn vốn trong nước, thực hiện đầu tư theo cơ cấu ngành đã chọn.
● Điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế theo hướng rút ngắn, chuyển từ cơ cấu phát triển các ngành có hàm lượng lao động cao sang phát triển các ngành có hàm lượng vốn, công nghệ cao có khả năng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đứng vững được trong cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và nước ngoài.Chọn lựa những ngành có thế mạnh để mở cửa cạnh tranh, chỉ bảo hộ cho những ngành, lĩnh vực có khả năng cạnh tranh trong tương lai, bảo hộ có chọn lọc, có địa chỉ và có thời hạn.
● Việc hoạch định chính sách cơ cấu ngành kinh tế quốc gia theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn lực bên trong và bên ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập, thích ứng với chuyển đổi kinh tế khu vực và thế giới cần tính đến vai trò của thể chế kinh tế toàn cầu, tổ chức kinh tế khu vực như WTO, APEC, AFTA..
● Tăng cường sự điều chỉnh thị trường đối với việc chọn lựa ngành, lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phân bổ nguồn lực; giảm bớt can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào các hoạt động của doanh nghiệp.
● Phát triển cơ cấu hàng hoá xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá, lựa chọn mặt hàng xuất khẩu chủ lực phù hợp tiến trình chuyển dịch cơ cấu ngành trong từng thời kỳ. Thực hiện đa dạng hoá thị trường xuất khẩu để tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tránh lệ thuộc quá mức vào thị trường nước ngoài.