3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.1.1.4. Tài nguyên đất
Với diện tích tự nhiên 95.375 ha, trong đó có 642 ha đầm phá, 1.787 ha sông, suối, ao, hồ. Diện tích còn lại theo nguồn gốc phát sinh được chia thành các nhóm đất chính như sau:
• Nhóm đất cát
Diện tích 16.198 ha chiếm 17% diện tích tự nhiên, được hình thành ven biển và các cửa sông. Do hoạt động của biển và sông đã tạo thành những dòng chảy mạnh, các hạt lắng đọng tạo thành những dải có mức độ dài ngắn khác nhau, sự tác động của gió đã làm những cồn cát di động. Đặc điểm nhóm đất này là sự phân hóa phẫu diện không rõ, thành phần cơ giới rời rạc, hạt thô, khả năng giữ nước và độ phì kém.
Trong nhóm này, diện tích phân bố dọc bờ sông Ô Lâu, ven phá Tam Giang và vùng cát nội đồng là có giá trị nhất trong sản xuất nông nghiệp nhưng đất có thành phần cơ giới thô, không có kết cấu, dung tích hấp thụ thấp, các chất dinh dưỡng (mùn, đạm, lân...) đều nghèo, kali tổng số cao nhưng kali trao đổi thấp. Loại đất này thích hợp cho trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày như: mía, lạc, đậu đỗ, cây ăn quả: cam, chanh...
Hiện nay, đất cát và cồn cát biển đang được sử dụng vào mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp (chủ yếu là trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất để bảo vệ vùng đất nội đồng, chống cát bay, cát di động và giữ nguồn nước ngọt).
• Nhóm đất phù sa
Được hình thành do sự bồi tụ của các sông với diện tích 3.971 ha, chiếm 4,1% diện tích tự nhiên. Thành phần cơ giới chủ yếu là thịt nhẹ, thịt trung bình. Đây là loại đất rất thích cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là lúa, màu... phân bố chủ yếu ở Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa, Phong Hiền.
• Nhóm đất đỏ vàng trên đá sét
Diện tích 17.968 ha, chiếm 18,8% diện tích tự nhiên, được phát triển trên sản phẩm phong hóa của đá macma bazơ và trung tính, đá vôi... phân bố ở địa hình tương đối cao đến bằng thoải lượn sóng. Đất có thành phần cơ giới nặng đến trung bình, hàm lượng dinh dưỡng trung bình thấp, tầng đất trung bình đến dày, thoát nước tốt. Nhóm đất này rất thích hợp cho việc trồng cây ăn quả, nông lâm kết hợp (cao su, hồ tiêu, mía, thông, keo, màu...).
• Nhóm đất vàng nhạt trên đá cát
Diện tích 44.664 ha chiếm 46,8% diện tích tự nhiên, được phát triển trên nhiều loại đá mẹ khác nhau: granit, macma axit, trầm tích và biến chất... Đá phong hóa yếu, có nhiều mảnh vụn nguyên sinh, trên cùng là lớp thảm mục hoặc mùn thô than bùn trên núi. Tỷ lệ mùn cao nhưng phân giải chậm, lân, kali nghèo. Nhìn chung, đây là nhóm đất tốt, có khả năng trồng được cây công nghiệp ngắn và dài ngày như mía, cao su, hồ tiêu...
• Nhóm đất bạc màu
Diện tích 2.082 ha chiếm 2,2% diện tích tự nhiên, phân bố trên đất dốc, lớp mùn trên mặt thưa thớt, lẫn nhiều đá. Đây là kết quả của sự xói mòn, là hậu quả của chiến tranh và nạn phá rừng, canh tác không đúng kỹ thuật. Diện tích này cần được phủ xanh sớm bằng các chương trình phát triển lâm nghiệp.
Ngoài ra, còn có một số diện tích đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất nâu vàng trên sản phẩm dốc tụ... nhưng với diện tích không đáng kể.
Tóm lại, tài nguyên đất ở Phong Điền khá đa dạng trên cả 3 vùng sinh thái, thích hợp với nhiều loại cây trồng, song tính chất không đồng đều ấy cũng tạo cho sự canh tác phân tán manh mún, điều kiện cơ giới hóa, thủy lợi hóa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sự canh tác không đúng qui trình làm độ phì bị giảm kiệt, hiện tượng chua hóa, mặn ngấm quanh năm, cát bay và biển lấn vào đất liền cũng thường xảy ra đòi hỏi phải khắc phục kịp thời những hiện tượng thay đổi về môi trường đất. Do đó, trong thời gian tới cần phải bảo vệ tích cực và làm cho đất đai ngày càng tốt hơn.