3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.3.1.1. Kinh nghiệm Nhật Bản
Nhật Bản đã từ một “đống tro tàn” sau Chiến tranh thế giới thứ hai vươn lên hiện đại hoá nền kinh tế để trở thành siêu cường kinh tế đứng thứ hai sau Mỹ. Năm 1960 tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP đạt 45,6%, tỷ trọng ngành dịch vụ là 48% và tỷ trọng nông nghiệp là 6,4%. Đến năm 1999, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 32,1% GDP, tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 66,4%, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 1,5%. Đạt được những thành tựu trong
chuyển dịch cơ cấu ngành trước hết là do Nhật Bản đã thực thi một số chính sách và biện pháp sau:
- Mạnh dạn mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cho dù nền kinh tế còn non yếu, để tranh thủ các nguồn lực bên ngoài thực hiện công nghiệp hoá và phát triển đất nước. Thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư từng bước, phù hợp với điều kiện, khả năng trong từng giai đoạn của quá trình phát triển bằng việc xin bảo lưu, trì hoãn một số điều khoản khi gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, từng bước cắt giảm thuế quan, giảm bớt hoặc huỷ bỏ các biện pháp phi thuế quan, tự do hoá dần một số lĩnh vực như viễn thông, giao thông vận tải, du lịch, tiền tệ.
- Bảo hộ một số ngành, thị trường khi thấy cần thiết bằng biện pháp thuế quan và phi thuế quan, mức thuế bảo hộ được xác định tùy theo khả năng cạnh tranh của từng ngành. Có chính sách nuôi dưỡng, bảo hộ các ngành ưu tiên, những ngành công nghiệp non trẻ.
- Kiên trì chiến lược cơ cấu ngành kinh tế hướng về xuất khẩu, coi xuất khẩu hàng hoá là lợi ích sống còn là động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế và dùng nhiều biện pháp khuyến khích hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu; nâng cao sức cạnh tranh của các ngành hàng hóa trên thị trường quốc tế.
- Nhật Bản đã lựa chọn những ngành có lợi thế so sánh động, những ngành có khả năng tăng năng suất cao; những ngành được mở rộng trong tương lai; những ngành có nền tảng công nghệ cao để đưa ra cơ cấu công nghiệp trung và dài hạn. Nhật Bản cũng coi trọng và chú ý phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để nông nghiệp đảm bảo nhu cầu trong nước, đảm bảo lương thực, đảm bảo sự ổn định để phát triển.
- Đa dạng hoá cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, kể cả mặt hàng chủ lực. Hướng mạnh vào xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng làm gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, phù hợp với từng thời kỳ và mức độ công nghiệp hóa, đáp ứng theo sự biến động của thị trường.
- Nhật Bản đã di chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ công nghiệp sang dịch vụ; chuyển mạnh từ lao động ít kỹ năng sang lao động nhiều kỹ năng; tăng cường đào tạo người vừa trung thành với công ty vừa năng động sáng tạo.
- Nhật Bản đã kết hợp vai trò của nhà nước và sự năng động của thị trường trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường can thiệp vào nền kinh tế với nhiều công cụ khá đa dạng thông qua các chính sách, kế họach định hướng phát triển.