Các hoạt động của dự án thực hiện tại huyện Nam Đông

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số tác động của dự án “giảm nghèo khu vực miền trung” đối với sự phát triển kinh tế xã hội huyện nam đông tỉnh thừa thiên huế (Trang 45 - 49)

- Địa phương

HUYỆN NAM ĐÔNG

3.1.2. Các hoạt động của dự án thực hiện tại huyện Nam Đông

Các hoạt động của dự án được thực hiện thông qua các hoạt động của 5 hợp phần: An ninh lương thực, tạo thu nhập, phát triển cộng đồng, tăng cường thể chế và hỗ trợ dự án

* Hợp phần An ninh lương thực

Ưu tiên hàng đầu của dự án sẽ là làm giảm đi một cách đáng kể tình trạng thiếu an toàn lương thực thông qua các hoạt động như:

- Xúc tiến viên an ninh lương thực thông qua các hoạt động vườn gia đình; Dự án sẽ tiến hành đào tạo các hướng dẫn viên về an toàn lương thực vườn gia đình để góp phần giảm số lượng các hộ thiếu lương thực. Các an toàn viên này sẽ hướng dẫn cho các hộ gia đình về việc canh tác, chọn giống, cây, con . . . nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nhất vườn gia đình.

- Theo dõi chỉ số nhân học tại các làng bản: Dự án thực hiện một số mô hình trình diễn về chế biến thức ăn hiện có tại địa phương để người dân địa phương làm theo nhằm tăng dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra cung cấp các dịch vụ nấu ăn, kiểm tra cân nặng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh tại các thôn bản thông qua đó các bà mẹ biết được con mình có bị suy dinh dưỡng không và nhờ đó thay đổi hoặc duy trì chế độ dinh dưỡng cho trẻ em.

- Kế hoạch hành động an ninh lương thực và phát triển cho các hộ gia đình nghèo: Kế hoạch hành động an ninh lương thực và phát triển cho các hộ gia đình nghèo được tiến hành thông qua các hoạt động như họp nhóm để xác định các vấn đề ANLT cần quan tâm, phân phát bộ dụng cụ để phát triển vườn gia đình; lựa chọn và thu mua các loại hạt giống tốt và hỗ trợ cho các sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng vườn gia đình.

- Cải thiện vườn gia đình và nuôi gia cầm trong vườn: Các hộ gia đình sẽ được hỗ trợ để phát triển vườn gia đình. Mô hình này bao gồm cả việc hướng dẫn người dân trồng cây ở vành đai để lấy củi đốt, lấy cây gỗ làm nhà, có bóng mát cùng với việc chăn nuôi gia cầm, đào ao nuôi cá nhằm cung cấp đạm trong bữa ăn. Củi đun, gỗ xây dựng cũng là yếu tố có giá trị trong thu nhập phi nông nghiệp. Trong việc phát triển vườn gia đình, các nhóm tham gia đào tạo nông dân tại chỗ xẽ được huấn luyện để biết cách chọn hạt giống ngô, lúa và các loại cây trồng khác cho vùng cao nhằm cải thiện sản xuất các loại cây lương thực chủ yếu. Việc nuôi gia cầm trong vườn được quan tâm thông qua các hoạt động phân phối các con giống đã được lai tạo, tiến hành tiêm chủng vắc xin cho gia cầm . . .

- Nước sạch và giáo dục kèm theo về nước sạch và vệ sinh: Cung cấp nước sạch cho các hộ gia đình và vườn gia đình dưới hình thức các hệ thống nước tự chảy hay giếng đào. Đồng thời giáo dục về việc cải thiện thói quen vệ sinh dùng nước, khuyến khích xây dựng và sự dụng nhà vệ sinh ... nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho các bệnh tật do nước gây nên. Việc cung cấp nước sạch cho khoảng 10.000 hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tại địa bàn chính. Mỗi hệ thống cung cấp nước sạch đề xuất đưa vào dự án sẽ phải có ít nhất 50% hộ gia đình được hưởng lợi thuộc 60% hộ nghèo nhất. Những hệ thống phù hợp có hiệu quả sẽ được xác địh thông qua quá trình xây dựng kế hoạch.

* Hợp phần Tạo thu nhập

- Để tạo thêm thu nhập người dân cần có vốn thông qua hoạt động tín dụng vi mô để mua giống gia súc, gia cầm, giống cây trồng, chế biến nông sản quy mô nhỏ, đa dạng hóa hoặc hỗ trợ thêm cho nguồn thu nhập của hộ gia đình thông qua các hoạt động phi nông nghiệp như may mặc, phương tiện bảo dưỡng máy móc quy mô nhỏ, buôn bán nhỏ ...Tuy hiện tại hệ thống tín dụng của các ngân hàng khác nhau đang tồn tại nhưng trên thực tế các dịch vụ trợ giúp cho các hoạt động này chưa có hoặc nếu có thì chỉ ở mức rất hạn chế. Nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất của hoạt động tín dụng, tạo điều kiện cho người dân vay tiền và đào tạo, hướng dẫn cho họ biết sử dụng đồng vốn, đầu tư có hiệu quả, ADB đã thiết kế một chương trình tín dụng trong

khuôn khổ dự án, bao gồm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động tín dụng - tiết kiệm, chương trình được gọi tắt là “tài chính vi mô”. Tổng số tiền trong tiểu hợp phần này do tư vấn ADB thiết kế là 6,46 triệu USD (kể cả dự phòng) với lãi suất dự kiến cho người dân vay lại là bằng với lãi suất áp dụng cho vùng sâu, vùng xa của Ngân hàng phục vụ người nghèo và được thống nhất cụ thể theo từng thời kỳ.

- Phát triển nông nghiệp thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình ứng dụng và đào tạo tại chỗ cho người nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thu nhập. Dự án tập trung đầu tư vào việc cải tạo, nâng cấp các con đường liên thôn tới trung tâm xã, các đường mòn, cầu, cống và các công trình cấp nước quy mô thôn bản, thuỷ lợi, các biện pháp bảo tồn đất đai, hạ tầng thông tin liên lạc, chợ quy mô nhỏ và các công trình thuỷ điện nhỏ. Dự án sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng do cộng đồng xác định là có lợi cho các thôn bản và hộ gia đình nghèo nhất. Mỗi xã sẽ được đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng cho các công trình xây dựng (bao gồm cả dự phòng). Trong hai năm đầu tiên sau khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mỗi xã sẽ được nhận khoảng 700 triệu đồng/năm. Chi phí cho mỗi tiểu dự án cơ sở hạ tầng tối đa là 500 triệu đồng, chi phí cho mỗi tiểu dự án nâng cấp đường tối đa là 600 triệu đồng.

* Hợp phần Phát triển cộng đồng.

Tập trung các hoạt động phát triển cộng đồng cụ thể như sau:

- Đào tạo về cách thức tiến hành đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng (PRA) và tiến hành đào tạo về giới và kế hoạch hóa gia đình cho người dân, đặc biệt là cho phụ nữ.

- Hỗ trợ và đào tạo cho cộng đồng, các đối tượng cần được đào tạo thông qua thực tế, hỗ trợ để tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các thông tin về kỹ thuật.

- Theo dõi và giám sát sự tham gia của cộng đồng ở các xã dự án, chuẩn bị tài liệu hướng dẫn về giám sát và đánh giá; hỗ trợ cho các hoạt động giám sát và đánh giá đang được tiến hành.

- Giao rừng, đất trống và đất nông nghiệp cho người nghèo thông qua các hoạt động: điều tra về tài nguyên, ranh giới hành chính, sử dụng đất, chuẩn bị cho người dân địa phương tiếp cận với bản đồ, hỗ trợ cho việc đăng ký quyền sử dụng đất.

* Hợp phần Tăng cường thể chế.

Dự án tập trung vào các hoạt động chủ yếu trong khuôn khổ Hợp phần tăng cường thể chế như sau:

- Đào tạo nâng cao kỹ năng lập kế hoạch và sự tham gia của cán bộ xã, huyện - Nâng cao hiệu quả của các nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về kỹ năng khuyến nông và các kỹ năng kỹ thuật khác, cung cấp thiết bị hỗ trợ hoạt động.

- Phát triển năng lực của Hội phụ nữ: Đào tạo cho họ tất cả các kỹ năng về truyền thông, đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng (PRA) và hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ. Hội phụ nữ sẽ đàm phán với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn về một hợp đồng phụ để trang trải các hoạt động của họ bằng việc chia lãi suất từ các quỹ cho vay và họ sẽ nhận được tỷ lệ % tính trên tổng khoản nợ trực tiếp từ người vay để trang trãi cho hoạt động hỗ trợ và đào tạo cho các nhóm. Dự án sẽ hỗ trợ cho các hoạt động trong ba năm đầu của dự án và sau khoảng thời gian đó, hỗ trợ sẽ giảm dần.

* Hợp phần Hỗ trợ dự án

Hợp phần này bao gồm hai tiểu hợp phần cơ bản là:

- Quản lý dự án: Thiết lập hệ thống tổ chức và cung cấp kinh phí, trang thiết bị điều phối, quản lý và vận hành dự án từ cấp TW đến cấp xã.

- Dịch vụ tư vấn: Cung cấp các dịch vụ tư vấn trong và ngoài nước cho dự án để hỗ trợ cho việc quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án, đảm bảo thành công.

3.1.3. Vốn và nguồn vốn đầu tư của dự án tại huyện Nam Đông

Nguồn vốn đầu tư cho dự án gồm vốn vay ADB, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam kể cả phần đóng góp của người hưởng lợi và vốn đồng tài trợ không hoàn lại của Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID).

Bảng 3.1: Vốn và nguồn vốn đầu tư chi tiết cho từng hoạt động:

Tổng chi phí Trong đó:

ADB DFID Ngân sách Dân góp

Tổng chi phí 120.930 85.581 9.305 22.776 3.538

1. An ninh lương thực 4.874 3.649 0 912 312

2. Tạo thu nhập 100.353 74.532 3.417 19.178 3.226

- Tài chính vi mô 3.250 3.250

- Phát triển nông nghiệp 15.653 8.376 3417 2.240 1.619

- Cơ sở hạ tầng 81.450 62.906 0 16.937 1.606

3. Phát triển cộng đồng 7.793 1.980 5.066 746 0

4. Tăng cường thể chế 3.556 2.883 0 672 0

5. Hỗ trợ quản lý dự án 4.353 2.534 552 1.266 0

Nguồn: Dự án Giảm nghèo tỉnh Thừa Thiên Huế

Tổng chi phí là 120.930 triệu đồng, bao gồm các thành phần sau:

+ Vốn vay của ADB: 85.581 triệu đồng; thời hạn vay 32 năm gồm 8 năm ân hạn với lãi suất 1%/năm, các năm còn lại lãi suất 1,5%/năm.

+ Vốn đồng tài trợ không hoàn lại do DFID tài trợ là 9.035 triệu đồng.

+ Vốn đối ứng của Việt Nam là 26.314 triệu đồng gồm: Ngân sách tỉnh đóng góp 22.776 triệu đồng; đóng góp của người hưởng lợi bằng hiện vật và sức lao động 3.538 triệu đồng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số tác động của dự án “giảm nghèo khu vực miền trung” đối với sự phát triển kinh tế xã hội huyện nam đông tỉnh thừa thiên huế (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w