KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Tác động của các nhà máy chế biến dăm gỗ đối với sự phát triển rừng trồng kinh tế ở thừa thiên huế (Trang 98 - 104)

- Sản xuất LN (trồng rừng KT) 0,92 5,53 0,72 4,81 0,82 5,17 Phân theo nguồn hình thành

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Sự hình thành của các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm vừa qua đã tạo bước đột phá, thúc đẩy rừng trồng kinh tế phát triển mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng trồng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội và môi trường, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Diện tích rừng trồng kinh tế đã tăng nhanh theo hướng thâm canh nên năng suất chất lượng cao, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về gỗ ngày càng tăng của thị trường, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.

Qua nghiên cứu tác động của các nhà máy chế biến dăm gỗ đối với sự phát triển của rừng trồng kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho thấy:

1. Sự hình thành các nhà máy chế biến đã có tác động tích cực đến tình hình sử dụng đất lâm nghiệp của tỉnh. Diện tích đất trống bỏ hoang hóa đã giảm mạnh từ 141.987 ha năm 1999 xuống còn 64.842 ha vào năm 2006. Diện tích đất có rừng đã tăng mạnh từ 214.148 ha năm 1999 lên đến 286.541 ha vào năm 2006; góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, phục vụ phát triển nền kinh tế của tỉnh.

2. Diện tích rừng trồng kinh tế của tỉnh từ khi có các nhà máy chế biến dăm gỗ đã phát triển rất mạnh. Giai đoạn 1999-2002 bình quân mỗi năm toàn tỉnh chỉ trồng được 4.321 ha/năm. Từ khi có các nhà máy giai đoạn 2003- 2006, toàn tỉnh đã trồng được bình quân 6.987 ha/năm, nâng diện tích rừng trồng toàn tỉnh từ 43.941 ha năm 1999 lên đến 81.663 ha vào năm 2006.

3. Sự hình thành các nhà máy chế biến dăm gỗ cũng đã có tác động thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng kinh tế. Năm 2002 khi chưa có các nhà máy, rừng trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu được trồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với diện tích là 3.332 ha chiếm tỷ lệ 80,9%. Rừng trồng của thành phần kinh tế tư nhân là 786 ha/năm, chiếm tỷ lệ 19,1%. Trong đó chỉ có 580 hộ gia đình tham gia trồng được 406 ha/năm, bình quân mỗi hộ trồng 0,7 ha.

Đến năm 2006, diện tích rừng trồng của nhà nước đã giảm dần xuống còn 1.365 ha chiếm tỷ lệ 11,4% diện tích trồng rừng toàn tỉnh. Rừng trồng của tư nhân đã có bước phát triển đột phá lên đến 10.598 ha chiếm tỷ lệ 88,6%. Trong đó chủ yếu là rừng trồng của hộ gia đình với diện tích là 10.233 ha. Số hộ tham gia là 5.380 hộ, bình quân mỗi hộ trồng được 1,9 ha.

4. Phương thức canh tác rừng trồng kinh tế của tỉnh từ khi có các nhà máy cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Quan điểm trồng rừng trên địa bàn tỉnh khi chưa có các nhà máy chủ yếu là trồng rừng phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chưa chú trọng thâm canh nên năng suất chất lượng của rừng trồng kinh tế nhìn chung còn thấp. Cơ cấu loài cây trồng chưa hợp lý. Đất đai sử dụng còn lãng phí. Chất lượng giống cây trồng chưa được quan tâm, thu hái hạt giống xô bồ, không rõ nguồn gốc, chưa qua tuyển chọn đã làm ảnh hưởng đến năng suất của rừng trồng.

Giai đoạn 2003-2006, sự hình thành của các nhà máy chế biến dăm gỗ không những làm cho rừng trồng kinh tế của tỉnh có bước đột phá phát triển mạnh về diện tích mà năng suất, chất lượng cũng được tăng lên. Đất đai sử dụng có hiệu quả hơn. Cơ cấu loài cây trồng rừng hợp lý, với loài cây chủ yếu là cây Keo lai nhân giống bằng hom. Chất lượng giống được chú trọng. Rừng trồng được đầu tư thâm canh nên đạt năng suất chất lượng cao.

5. Ngoài ra, sự hình thành của các nhà máy chế biến dăm gỗ cũng đã tác động tích cực thúc đẩy ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển. Độ che phủ của rừng toàn tỉnh đã tăng từ 42,8% năm 1999 lên đến 53,6% vào năm 2006. Chất lượng rừng cũng được cải thiện đáng kể. Tổng trữ lượng rừng toàn tỉnh từ 21,408 triệu m3 gỗ năm 1999 đã tăng lên 23,258 triệu m3 gỗ năm 2006, trong đó trữ lượng của rừng trồng là 1,779 triệu m3 gỗ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh theo giá so sánh năm 1994 tăng lên từ 87,620 tỷ đồng đến 119,598 tỷ đồng vào năm 2006. Ngoài các chương trình dự án trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã có sự quan tâm hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp Thừa Thiên Huế một cách tích cực và có hiệu quả, đóng góp nguồn lực thúc đẩy rừng trồng kinh tếphát triển.

6. Kết quả nghiên cứu cho thấy: quy mô, cơ cấu diện tích các loại đất của hộ kể từ khi có các nhà máy đã có sự chuyển biến tích cực hơn theo hướng tăng mạnh diện tích rừng trồng kinh tế, góp phần giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho các hộ tái đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời có tích lũy, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sự hình thành của các nhà máy đã có tác động tích cực trong việc tạo ra một thị trường tiêu thụ có tính cạnh tranh cao, giá cả thu mua gỗ nguyên liệu ngày càng được nâng lên, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ. Đây chính là động lực thúc đẩy các hộ phát triển mạnh rừng trồng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nhất định cũng đã phát sinh nhiều bất cập trong quá trình phát triển rừng trồng kinh tế của tỉnh. Diện tích rừng trồng phát triển nhanh nhưng còn mang tính tự phát, thiếu vững chắc. Các chính sách về tạo nguồn nguyên liệu, chính sách về giá, công tác tổ chức thu mua, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật, chính sách hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho người dân vẫn chưa được các nhà máy quan tâm để chủ động vùng nguyên liệu chuyên canh, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy cũng như sự phát triển của rừng trồng kinh tế.

Nhằm thúc đẩy phát triển rừng trồng kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động của các nhà máy chế biến dăm gỗ, đề tài đề xuất các giải pháp cơ bản như sau:

- Giải pháp quy hoạch xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu

Có chính sách ưu đãi khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nguồn lực, phát triển rừng trồng kinh tế, tạo nguồn nguyên liệu gỗ cho sản xuất và tiêu dùng. Ưu tiên cho các nhà máy được thuê đất lâm nghiệp để xây dựng phát triển rừng trồng kinh tế, chủ động tạo vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng cho các hộ nông dân có tư liệu sản xuất để phát triển mạnh diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng kinh tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế khác ở trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nguồn lực phát triển trồng rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Rà soát lại đất đai của các đơn vị lâm nghiệp để chuyển giao một số diện tích cho chính quyền địa phương cấp đất cho dân trồng rừng kinh tế.

Thanh lý những diện tích rừng trồng kém chất lượng để trồng lại rừng theo hướng thâm canh, đảm bảo năng suất chất lượng. Khuyến khích trồng rừng kinh tế trên những diện tích nương rẫy bỏ hoang hóa.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư phát triển trồng rừng, khai thác tiềm năng đất đai của tỉnh.

Ngoài ra, cần khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào thị trường chế biến gỗ nguyên liệu nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đem lại lợi ích lâu dài cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Giải pháp nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng kinh tế

Tăng cường công tác quản lý giống, tiếp tục nghiên cứu lựa chọn cơ cấu loài cây thích hợp đáp ứng các tiêu chuẩn như cây mọc nhanh, năng suất cao, có giá trị kinh tế để đưa vào trồng rừng kinh tế.

Cơ cấu cây trồng chủ lực hiện nay là cây Keo tai tượng và cây Keo lai nhân giống bằng hom. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong trồng rừng kinh tế cần được phổ biến thực hiện đầy đủ theo hướng thâm canh từ khâu phát dọn thực bì, làm đất, bón phân, chăm sóc, quản lý bảo vệ để nâng cao năng suất rừng trồng.

- Giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy

Tiếp tục thu mua nguồn gỗ nguyên liệu trực tiếp từ các hộ trồng rừng và thông qua các thương lái để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trước mắt cho sản xuất chế biến.

Đẩy mạnh liên doanh liên kết, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho các đơn vị lâm nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh để tạo dựng mối quan hệ, thu mua toàn bộ sản phẩm gỗ nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của nhà máy.

Về lâu dài, cần phát triển mạng lưới các đại lý để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng rừng, đảm bảo chủ động nguồn nguyên liệu.

- Giải pháp về giá thu mua nguyên liệu

Có chính sách hỗ trợ thêm giá thu mua nguyên liệu để khuyến khích động viên các tổ chức cá nhân khai thác vận chuyển gỗ rừng trồng đến bán tại nhà máy với số lượng lớn.

Nghiên cứu xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh linh hoạt tùy thời điểm, đảm bảo thu nhập cho người trồng rừng để xây dựng mối quan hệ lâu dài, hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển trong quá trình sản xuất và chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Giải pháp về tổ chức thu mua nguyên liệu

Trước mắt, các nhà máy cần tiếp tục tổ chức thu mua gỗ nguyên liệu thông qua các thương lái, đồng thời có chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức và hộ gia đình đến bán nguyên liệu trực tiếp tại các nhà máy.

Về lâu dài, các nhà máy cần mở rộng các hình thức liên doanh liên kết, phát triển mạng lưới các đại lý triển khai ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm rừng trồng với đại diện các nhóm hộ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, đảm bảo ổn định nguồn gỗ nguyên liệu.

- Giải pháp về thông tin tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình sản xuất chế biến của nhà máy, nhu cầu nguyên liệu, chủng loại nguyên liệu, giá cả thu mua, phương thức thanh toán, các chính sách về ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, các chính sách ưu đãi… trên các phương tiện thông tin đại chúng và ở những nơi công cộng để người dân nắm bắt kịp thời, qua đó cung ứng nguồn gỗ nguyên liệu ổn định cho hoạt động các nhà máy chế biến dăm gỗ.

- Giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng

Tiếp tục nhân rộng mô hình nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến đường liên thôn liên xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển rừng trồng, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn của các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh, khuyến khích các hộ gia đình đóng góp một phần kinh phí khi thu hoạch rừng trồng để xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển trồng rừng kinh tế.

- Giải pháp về hỗ trợ cho vay vốn

Có chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay, nâng hạn mức cho vay đồng thời kéo dài thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của cây lâm nghiệp. Tăng cường vận động, thu hút các dự án trong nước và của các tổ chức quốc tế đầu tư hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển rừng trồng kinh tế, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến và tiêu dùng.

- Giải pháp về khuyến nông khuyến lâm

Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh, kỹ thuật nhân giống bằng hom cho các hộ gia đình để triển khai áp dụng vào sản xuất, tăng năng suất của rừng trồng kinh tế.

Xây dựng cơ chế phối kết hợp giữa bộ máy khuyến nông khuyến lâm với các nhà máy và các hộ gia đình trồng rừng nhằm đảm bảo phát triển rừng trồng kinh tế đáp ứng nhu cầu chủng loại, chất lượng gỗ nguyên liệu cho hoạt động chế biến của các nhà máy.

2. Kiến nghị

Tỉnh cần có chính sách thu hút nhiều nhà đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ để tạo lập một thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, giá cả thu mua nguyên liệu cạnh tranh hơn. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình. Đây chính là tiền đề quan trọng, có vai trò quyết định thúc đẩy sự phát triển rừng trồng kinh tế của tỉnh cả về quy mô diện tích cũng như năng suất chất lượng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ các dự án trong nước và từ các tổ chức quốc tế tạo điều kiện cho các hộ gia đình được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển rừng trồng kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, qua đó thúc đẩy nền kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.

Sự hình thành các nhà máy chế biến dăm gỗ và sự phát triển của rừng trồng kinh tế của tỉnh có mối quan hệ biện chứng khách quan, tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng đổi mới và phát triển. Do thời gian từ khi các nhà máy hình thành và đi vào hoạt động đến nay chỉ mới 3 năm nên đề tài chưa đánh giá được một cách toàn diện tác động của các nhà máy chế biến đến sự phát triển của rừng trồng kinh tế. Cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn vào lĩnh vực này để bổ sung hoàn thiện các giải pháp phát triển.

Một phần của tài liệu Tác động của các nhà máy chế biến dăm gỗ đối với sự phát triển rừng trồng kinh tế ở thừa thiên huế (Trang 98 - 104)