2. Phân theo huyện
3.2.5. Tác động đến sự phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh nói chung
Ngành lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi, nhất là từ khi có các nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn.
Bảng 3.9: Biến động các chỉ tiêu chủ yếu của ngành lâm nghiệp TT-Huế Các chỉ tiêu ĐVT 1999 2006 So sánh 2006/1999 +/- % 1. Tổng diện tích đất LN ha 356.171 351.383 -4.788 98,7 2. Diện tích đất có rừng ha 214.184 286.541 72.357 133,8 3. Độ che phủ % 42,8 53,6 10,8 125,2 4. Tổng trữ lượng gỗ triệu m3 21,408 23,258 1,850 108,6 + Trữ lượng rừng TN triệu m3 20,568 21,479 0,911 104,4 + Trữ lượng rừng trồng triệu m3 0,84 1,779 0,939 211,8 5. GTSX lâm nghiệp (giá 1994) tỷ đồng 87,620 119,598 31,978 136,5
(Nguồn: Phân viện ĐTQH rừng TTB, Niên giám thống kê TTH) [1], [31]
- Tổng diện tích đất có rừng đã tăng nhanh, từ 214.184 ha năm 1999 lên đến 286.541 ha vào năm 2006, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh từ 42,8% lên 53,6%, cao hơn hẳn độ che phủ rừng chung của toàn quốc, hiện là 37,7%.
- Chất lượng rừng cũng được cải thiện đáng kể. Theo số liệu của Phân viện điều tra quy hoạch rừng trung Trung bộ thì tính đến ngày 31/12/2006,
tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng trữ lượng rừng là 23,258 triệu m3 gỗ, đã tăng thêm 1,850 triệu m3 so với năm 1999.
Trữ lượng của rừng tự nhiên từ 20,568 triệu m3 gỗ năm 1999 đã tăng thêm 0,911 triệu m3 vào năm 2006 với 21,479 triệu m3 gỗ.
Rừng tự nhiên ở Thừa Thiên Huế thuộc kiểu rừng kín thường xanh, ở độ cao dưới 700 m là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và từ độ cao 700 m trở lên là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới. Tổ thành loài cây rất đa dạng về chủng loại với trên 1.728 loài, 765 chi và 193 họ, trong đó có 64 loài đặc hữu và quý hiếm, nhiều loài có giá trị kinh tế như Trầm hương, Chò đen, Lim xanh, Gụ, Kiền kiền, Kim giao...
Trữ lượng của rừng trồng đã có bước đột phá, tăng mạnh từ 0,84 triệu m3 năm 1999 lên 1,779 triệu m3 vào năm 2006, khối lượng tăng thêm là 0,939 triệu m3 gỗ, tăng 111,8%.
Rừng trồng ở Thừa Thiên Huế được trồng với nhiều loài cây trồng khác nhau nhưng chủ yếu là các loài cây Keo, đặc biệt là cây Keo lai hom (Acacia hybrida) tăng trưởng nhanh, cải tạo đất, diện thích nghi rộng, vừa có giá trị kinh tế cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy, vừa có tác dụng phòng hộ môi trường tốt, rất có triển vọng.
- Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của công nghiệp chế biến gỗ, ngành lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua cũng đã có nhiều chính sách, thu hút được rất nhiều dự án khác nhau, ở trong nước cũng như từ các tổ chức quốc tế, để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng nên diện tích rừng trồng kinh tế đã phát triển nhanh chóng.
Giai đoạn trước năm 1999, diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu được đầu tư từ các dự án PAM 2780 (1986-1992), dự án PAM 4304 (1993-1996) và dự án trồng rừng 327 (1993-1998). Chương trình lương thực thế giới (PAM - Programme Alimentaire Mondial) là một tổ chức viện trợ
lương thực thuộc Liên Hợp Quốc, hoạt động chủ yếu là cung cấp lương thực viện trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bị thiên tai và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho hơn 80 quốc gia đang phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiệu quả của dự án PAM trên địa bàn tỉnh là đã trồng được hơn 22.460 ha rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ngắn hạn thông qua trợ giúp lương thực để trồng rừng cũng như nguồn thu nhập lâu dài, ổn định qua khai thác những sản phẩm rừng trồng của dự án, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ.
Chương trình 327 là một chương trình quốc gia có quy mô lớn với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ rừng ở những nơi xung yếu và trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Kết quả triển khai ở Thừa Thiên Huế đã trồng được gần 9.000 ha rừng, bảo vệ rừng 37.532 lượt ha và khoanh nuôi tái sinh 17.117 lượt ha.
Tiếp nối chương trình 327 là dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thực hiện trong giai đoạn 1999-2010 (thường gọi là dự án 661) với nhiệm vụ chính là đến năm 2010 trồng được 2 triệu ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 3 triệu ha rừng kinh tế đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tiêu dùng, hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên.
Đến hết năm 2006, từ nguồn vốn dự án 661 trung ương và địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trồng được 13.922 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh gần 49.000 lượt ha và 152.000 lượt ha quản lý bảo vệ rừng.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã có sự quan tâm hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp Thừa Thiên Huế một cách tích cực và có hiệu quả, góp phần phát triển rừng trồng kinh tế, tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có các dự án quốc tế sau đây:
Dự án tăng cường năng lực quản lý lâm nghiệp (SNV-ForHue) do tổ chức SNV Hà Lan tài trợ.
Dự án Hỗ trợ phổ cập và đào tạo phục vụ Nông lâm nghiệp vùng cao (ETSP) do tổ chức Hợp tác quốc tế Helvetas Thụy Sĩ tài trợ.
Dự án Phát triển nông thôn do Chính phủ Phần Lan tài trợ có hợp phần phát triển trồng rừng.
Dự án Hành lang xanh do các tổ chức GEF-WWF-SNV đồng tài trợ. Dự án Xây dựng mạng lưới quản lý giống lâm nghiệp do tổ chức DANIDA Đan Mạch tài trợ.
Dự án xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp do vùng Nord Pas De Calais (Pháp) tài trợ…
Các dự án quốc tế đã hỗ trợ cho tỉnh trong các lĩnh vực phát triển trồng rừng kinh tế, xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị, phát triển đào tạo nguồn nhân lực và trao đổi thông tin.
- Vốn đầu tư cho công tác phát triển rừng trồng từ năm 1999-2006 cũng thu hút được từ nhiều nguồn vốn khác nhau: Nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư thông qua dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do tỉnh quản lý là 63.909 triệu đồng; Nguồn vốn trích ngân sách Tỉnh đầu tư là 33.604 triệu đồng, nguồn vốn Dự án trồng rừng phòng hộ JBIC là 51.300 triệu đồng…
Vốn tín dụng đầu tư cho công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm nhiều hơn, đa dạng hơn, các thủ tục giải ngân cũng thông thoáng, thuận lợi hơn, nhất là đối với nguồn vốn tín dụng của Dự án phát triển ngành lâm nghiệp WB3.
Trong 2 năm 2005 và 2006, Dự án phát triển ngành lâm nghiệp WB3 đã giải ngân cho 1.239 hộ dân vay vốn trồng rừng kinh tế với tổng diện tích là 2.973 ha; định suất cho vay là 10 triệu đồng/ha, lãi suất cho vay 6%/năm. [2]
Dự án WB3 còn hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tham gia, cơ chế giải ngân vốn thuận lợi… là động lực mạnh mẽ khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển trồng rừng kinh tế.
Ngoài ra, trên địa bàn Tỉnh còn thu hút được một số nguồn vốn khác như: Vốn liên doanh liên kết trồng rừng kinh tế của công ty VIJACHIP, vốn ngân sách đầu tư cho các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn, vốn dự án ADB, dự án Phát triển nông thôn Phần Lan, nguồn vốn tự có trong dân và vốn vay tín dụng của các tổ chức, hộ gia đình… để đầu tư vào phát triển rừng trồng kinh tế.
- Các nhà máy chế biến dăm gỗ từ khi hình thành cũng đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất hàng năm của ngành lâm nghiệp tỉnh không ngừng được cải thiện. Theo số liệu từ Niên giám thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp đã có tăng trưởng khá kể từ khi có các nhà máy, năm 1999 là 87,620 tỷ đồng đã lên đến 119,598 tỷ đồng vào năm 2006, giá trị tăng thêm là 31,978 tính theo giá so sánh năm 1994.