Vấn đề nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng kinh tế được xem là mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Cho đến nay thì cơ sở khoa học của phát triển bền vững rừng trồng kinh tế ở các nước phát triển đã được hoàn thiện và đã đưa vào phục vụ sản xuất lâm nghiệp trong nhiều năm qua.
* Về giống cây trồng
Không có giống được cải thiện thì không thể đưa năng suất rừng lên cao. Thành công của công tác trồng rừng kinh tế trước hết phải kể đến công tác giống cây trồng, một lĩnh vực nghiên cứu mang tính đột phá và đã thu được những thành tựu to lớn.
Năm 1991, Campinhos đã thông báo kết quả thực tiễn năng suất rừng trồng ở Braxin tăng lên không ngừng trong suốt 30 năm nhờ làm tốt công tác tuyển chọn giống và nhân giống bằng hom kết hợp thâm canh, từ 13 m3/ha/năm vào năm 1960 đã tăng lên 35 m3/ha/năm vào năm 1980 và năm 1990 là 60 m3/ha/năm.
Ở Nam Phi (theo Quaile, 1989), rừng trồng bằng cây con từ hạt chỉ đạt tăng trưởng bình quân 21,9 m3/ha/năm, trong khi đó các dòng vô tính trồng đại trà đạt trên 30 m3/ha/năm. Tác giả cho rằng, giai đoạn đầu rừng trồng từ hạt đôi khi cao hơn rừng trồng từ dòng vô tính, do vậy dùng số liệu chiều cao trong hai năm đầu có thể dẫn đến kết luận sai lầm. Các dòng vô tính từ vật liệu chọn giống thế hệ cho năng suất cao hơn và đồng đều hơn cây con từ hạt. Kết luận trên của Quaile là đòn bẩy khích lệ công tác trồng rừng vô tính phục
vụ nguyên liệu công nghiệp ở Nam Phi.
Theo Covin (1990) tại Pháp và Italia, nhiều khu rừng cung cấp nguyên liệu giấy cũng đạt năng suất 40-50 m3/ha/năm, kết quả là hàng ngàn ha đất nông nghiệp được chuyển đổi thành đất lâm nghiệp để trồng rừng cung cấp nguyên liệu giấy đạt hiệu quả kinh tế cao.
* Về kỹ thuật lâm sinh
Bên cạnh công tác giống cây trồng, các biện pháp lâm sinh như phương thức trồng rừng, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng rừng trồng kinh tế cũng được quan tâm nghiên cứu.
Ở Malaysia người dân đã xây dựng rừng nhiều tầng hỗn loài gồm rừng tự nhiên, rừng Keo lai hom và rừng Tếch, đã sử dụng 23 loài cây có giá trị trồng theo băng 10m, 20m, 30m, với nhiều phương thức hỗn giao khác nhau. Matthew, J Kekty (1995) đã nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng hỗn loài giữa cây gỗ và cây họ đậu. Nhiều diện tích đất bị thoái hóa mạnh đã được đưa vào trồng rừng đạt hiệu quả cao.
Theo Bradford R Phillip (2001) ở Fuji người dân đã trồng một số loài tre luồng trên đồi vừa để bảo vệ đất và đem lại hiệu quả kinh tế cho những hộ gia đình nghèo, Ở Indonesia người ta đã áp dụng phương thức nông lâm kết hợp với cây Tếch,… Đây là một trong những hướng đi rất phù hợp đối với vùng đồi ở một số nước khu vực Đông Nam châu Á, trong đó có nước ta.
* Về các chính sách pháp luật
Muốn duy trì được tính ổn định, bền vững của rừng trồng thì công tác trồng rừng phải đạt được hiệu quả kinh tế, sản phẩm rừng trồng phải có thị trường tiêu thụ, các loại sản phẩm lâm sản ngoài gỗ phải phục vụ được mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của người dân, phương thức canh tác phải gắn với kiến thức bản địa và người dân được dễ dàng áp dụng.
vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các khu rừng trồng kinh tế, trong đó cần có kế hoạch xây dựng và phát triển các nhà máy chế biến lâm sản với các quy mô khác nhau trên cơ sở áp dụng các công cụ chính sách đòn bẩy để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển rừng.
Theo Thom R Waggener (2000) để phát triển trồng rừng theo hướng sản xuất hàng hóa với hiệu quả kinh tế cao không chỉ đòi hỏi phải có sự đầu tư tập trung về kinh tế và kỹ thuật mà còn phải nghiên cứu làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề có liên quan đến chính sách và thị trường.
Các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Cananda… nghiên cứu về kinh tế lâm nghiệp ở các quốc gia này được tập trung vào hai vấn đề lớn, có vai trò quyết định đối với rừng trồng kinh tế là thị trường và khả năng cạnh tranh các sản phẩm.
Ở Phần Lan hiện có trên 430 nghìn chủ rừng là tư nhân, trung bình mỗi chủ rừng có khoảng 33 ha. Nhà nước công nhận quyền sở hữu cá nhân về rừng đã làm cho rừng trồng phát triển mạnh cả về diện tích cũng như năng suất chất lượng.
Liu Jinlong (2004) qua phân tích và đánh giá tình hình thực tế đã đưa ra một số công cụ khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển rừng trồng kinh tế ở Trung Quốc là: i) Rừng và đất rừng cần được tư nhân hoá; ii) Ký hợp đồng hoặc cho tư nhân thuê đất lâm nghiệp của nhà nước; iii) Giảm thuế đánh vào lâm sản từ rừng trồng; iv) Đầu tư tài chính cho tư nhân trồng rừng; và v) Tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước với người dân để phát triển trồng rừng. Những công cụ mà tác giả đề xuất tương đối toàn diện từ các quan điểm chung về quản lý lâm nghiệp, vấn đề đất đai, thuế,… cho tới mối quan hệ giữa các doanh nghiệp nhà nước và người dân. Có thể nói, đây thực sự là đòn bẩy thúc đẩy người dân tham gia phát triển rừng trồng kinh tế ở Trung Quốc và cũng là định hướng quan trọng
cho các nước đang phát triển khác, trong đó có Vịêt Nam.
Các hình thức trồng rừng cũng được nhiều tác giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu như Narong Mahannop (2004) ở Thái Lan, Ashadi and Nina Mindawati (2004) ở Indonesia,… Các tác giả cho biết hiện nay ở các nước Đông Nam Á, có ba vấn đề được xem là quan trọng để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng kinh tế là: i) Quy định rõ ràng về quyền sử dụng đất; ii) Quy định rõ ràng chính sách hưởng lợi rừng trồng; và iii) Nâng cao hiểu biết và nắm bắt kỹ thuật của người dân.
Đây cũng là vấn đề mà các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực giải quyết để thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào trồng rừng.