Tác động đến sự thay đổi phương thức canh tác rừng trồng kinh tế

Một phần của tài liệu Tác động của các nhà máy chế biến dăm gỗ đối với sự phát triển rừng trồng kinh tế ở thừa thiên huế (Trang 61 - 66)

2. Phân theo huyện

3.2.4. Tác động đến sự thay đổi phương thức canh tác rừng trồng kinh tế

Phương thức canh tác rừng trồng kinh tế trước khi có các nhà máy chế biến dăm gỗ nhìn chung chưa chú trọng thâm canh, cơ cấu loài cây trồng chưa phù hợp nên năng suất chất lượng rừng vẫn còn thấp. Số liệu theo dõi của Phân viện điều tra quy hoạch rừng trung Trung bộ cho thấy, lượng tăng trưởng hàng năm của rừng trồng kinh tế trong giai đoạn này bình quân chỉ đạt

khoảng 10 m3/ha/năm nên hiệu quả đem lại còn hạn chế, chưa động viên được nhiều nguồn lực tham gia phát triển rừng trồng kinh tế.

Quan điểm trồng rừng trên địa bàn tỉnh khi chưa có các nhà máy chủ yếu là trồng rừng phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc nên cơ cấu loài cây trồng trong giai đoạn này phần lớn là các loài cây gỗ lớn, sinh trưởng chậm như Thông nhựa (Pinus merkusii), Thông 3 lá (Pinus khasya), Thông caribê (Pinus caribeae), Sao đen (Hopea odorata), Sến trung (Homalium hainammensis), Bời lời (Litsea vang), Muồng (Cassia siamea), Lim xẹt (Peltophorum tonkinensis) và Dầu rái (Dipterocarpus alatus)...

Bảng 3.8: Biến động cơ cấu các loài cây trồng rừng ở Thừa Thiên Huế

Đơn vị tính: ha

Cơ cấu loài cây 1999 2006 So sánh 2006/1999

D.tích % D.tích % +/- % Tổng DT rừng trồng 43.941 100,0 81.663 100,0 37.722 185,8 Thông 10.402 23,7 9.431 11,5 -971 90,7 Keo 12.893 29,3 53.525 65,5 40.632 415,1 Phi lao 1.836 4,2 2.024 2,5 188 110,2 Bạch đàn 10.964 25,0 61 0,1 -10.903 0,6 Keo + Bạch đàn 1.899 4,3 571 0,7 -1.328 30,1 Keo + Thông 702 1,6 1.864 2,3 1.162 265,5 Keo + Bản địa 2.724 6,2 8.638 10,6 5.914 317,1 Cây khác 2.521 5,7 5.549 6,8 3.028 220,1

(Nguồn: Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế) [1].

Năm 1999, diện tích rừng trồng Bạch đàn còn khá nhiều với 10.964 ha, chiếm tỷ lệ 25% tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh, nhưng do phần lớn bị nhiễm bệnh khô xám trên diện rộng, cây phát triển còi cọc, năng suất thấp, nên diện tích giảm xuống chỉ còn 61 ha. Cây Keo có năng suất cao hơn được thay thế cho cây Bạch đàn. Diện tích rừng Keo đã có bước phát triển đột phá, từ 12.893 ha, chiếm tỷ lệ 29,3% tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh năm 1999

đã tăng lên đến 53.525 ha, chiếm tỷ lệ 65,5% tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh vào năm 2006.

Qua số liệu trên cho thấy, sự hình thành các nhà máy chế biến dăm gỗ đã tác động mạnh đến sự dịch chuyển cơ cấu loài cây trồng rừng trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng năng suất chất lượng, đem lại hiệu quả cao cho người dân tham gia phát triển rừng trồng kinh tế.

- Thay đổi kỹ thuật canh tác rừng trồng kinh tế:

Trước khi có các nhà máy, phần lớn diện tích rừng được trồng trong giai đoạn này chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, suất đầu tư thấp nên mật độ trồng chỉ đạt khoảng 1.100 cây/ha. Do mật độ trồng thưa nên rừng chậm khép tán, cỏ tranh lau lách phát triển mạnh chèn ép cây trồng làm ảnh hưởng đến năng suất của rừng trồng. Cây giống chủ yếu được gieo tạo từ hạt, ngày công lao động thấp, một số người dân nhận khoán trồng rừng có tâm lý đối phó, chạy theo số lượng, đào hố kích thước nhỏ nên cây trồng sinh trưởng hạn chế, tỷ lệ cây chết nhiều, phải tra dặm nhiều lần nên rừng trồng phát triển không đồng đều, chất lượng rừng trồng chưa cao. Một số hộ gia đình do chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác giống nên đã tự thu hái hạt giống xô bồ, không rõ nguồn gốc, chưa qua tuyển chọn về gieo trồng, cây con đem trồng chưa đảm bảo chất lượng cũng làm ảnh hưởng đến năng suất rừng trồng.

Rừng trồng kinh tế trước khi có các nhà máy chủ yếu được trồng trên những vùng đất tương đối thuận lợi, độ dốc không cao, cự ly đi lại bình quân dưới 2 km, diện tích tương đối tập trung. Do quỹ đất trồng rừng giai đoạn này còn khá nhiều, tầm quan trọng của đất đai chưa được nhận thức đầy đủ nên người dân có tâm lý dễ làm khó bỏ, chỉ trồng rừng trên những lập địa thuận lợi, chừa bỏ nhiều những diện tích không thuận lợi ven khe suối, gây lãng phí, khó khăn trong công tác chăm sóc cũng như phòng chống cháy rừng.

Nhìn chung, năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh trước khi có các nhà máy chế biến dăm gỗ còn thấp do chưa đầu tư thâm canh. Sự tham gia đầu tư của người dân vào trồng rừng kinh tế chưa nhiều do nguồn vốn hạn chế, chính sách cho vay vốn tín dụng còn nhiều bất cập, thị trường chưa có đầu ra ổn định, giá cả thu mua thấp, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đem lại không cao nên chưa động viên thu hút được nhiều người dân tham gia.

Giai đoạn từ năm 2003-2006, sự hình thành của các nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không những làm cho rừng trồng kinh tế có bước đột phá phát triển mạnh về diện tích mà năng suất, chất lượng cũng được tăng lên đáng kể, đặc biệt là rừng trồng của các hộ gia đình.

Rừng trồng kinh tế trong giai đoạn này có cơ cấu cây trồng chủ yếu là cây Keo tai tượng và Keo lai hom. Đây là loài cây mọc nhanh, thời gian thu hoạch ngắn từ 7-8 năm, có tác dụng cải tạo đất và đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là một trong những giống cây trồng chính của ngành lâm nghiệp. Một số ít diện tích rừng được trồng hỗn giao Keo và cây Bản địa 2 năm tuổi để đa dạng hóa loài cây trồng, đem lại lợi ích lâu dài.

Các biện pháp kỹ thuật trong trồng rừng kinh tế cũng được thực hiện khá đầy đủ theo hướng thâm canh. Trồng rừng thâm canh là giải pháp duy nhất để nâng cao năng suất rừng trồng và rút ngắn chu kỳ kinh doanh.

Điều kiện lập địa trồng rừng trong giai đoạn 2003-2006 nhìn chung khó khăn hơn những năm trước do quỹ đất trống ngày càng giảm, diện tích không tập trung, độ dốc khá cao, cách xa khu dân cư. Nhiều hộ dân đã phát quang tận dụng những diện tích trước đây chừa bỏ ven khe suối để trồng rừng, khai thác hết tiềm năng đất đai.

Mật độ trồng rừng kinh tế phổ biến từ khi có các nhà máy là 1.650 cây/ha. Qua đánh giá thực tế cho thấy, sinh trưởng phát triển của cây rừng tốt nhất cả về đường kính và chiều cao ở mật độ này.

Công tác giống cây trồng cũng rất được quan tâm, phần lớn sử dụng cây Keo lai nhân giống bằng hom, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được Chi cục lâm nghiệp chứng nhận chất lượng. Cây con xuất vườn trồng rừng đảm bảo tiêu chuẩn về cấp kính cổ rễ và chiều cao, không bị sâu bệnh hại và không bị tổn thương cơ giới nên tỷ lệ sống cao, rừng sinh trưởng phát triển đồng đều, vừa có giá trị kinh tế, vừa phát huy được tác dụng phòng hộ.

Kỹ thuật thâm canh trong trồng rừng kinh tế cũng được người dân chú trọng. Kích thước hố đào trồng rừng đảm bảo, một số diện tích đất bằng, thuận lợi hơn thì đã áp dụng biện pháp cày đất bằng cơ giới. Việc bón phân cho cây trồng đã trở nên phổ biến, người dân không chỉ bón lót khi bắt đầu trồng rừng mà còn bón thúc chăm sóc trong 2 năm tiếp theo, liều lượng bón cũng tăng lên từ 0,1 kg/hố/năm lên 0,2 kg/hố/năm.

Rừng kinh tế sau khi trồng còn được người dân tiến hành chăm sóc mỗi năm 2 lần trong 3 năm tiếp theo. Sau khi hết thời gian chăm sóc, rừng trồng được tiếp tục đầu tư quản lý bảo vệ cho đến khi khai thác.

Tuy nhiên, đối với những diện tích rừng trồng nhà nước đầu tư, tuy định suất đầu tư có tăng lên từ 4 triệu đồng/ha năm 2004 lên 5 triệu đồng/ha năm 2006 nhưng cũng chưa đủ để bón phân, chất lượng rừng trồng có cải thiện hơn trước nhưng nhìn chung năng suất rừng tăng trưởng còn chậm.

Có thể nói, trồng rừng thâm canh là vấn đề trước đây ít được người dân quan tâm, song do nguồn gỗ rừng tự nhiên ngày càng hạn hep, đặc biệt là nhu cầu nguyên liệu đang trở nên gay gắt hơn đối với các nhà máy chế biến dăm gỗ, giá cả thu mua trên thị trường ngày càng tăng cao thì trồng rừng thâm canh đã trở thành một xu thế tất yếu trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay, nhất là trồng rừng kinh tế cung cấp nguyên liệu dăm gỗ.

Nhờ chú trọng áp dụng các biện pháp thâm canh nên chất lượng của rừng trồng kinh tế từ khi có các nhà máy chế biến dăm gỗ không ngừng được

nâng cao, lượng tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 25 m3/ha/năm, một số diện tích đạt 55 m3/ha/năm.

Qua phân tích cho thấy, sự hình thành của các nhà máy chế biến dăm gỗ đã tạo được thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng, thúc đẩy người dân đẩy mạnh phát triển diện tích đồng thời thay đổi phương thức canh tác rừng trồng hợp lý theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất chất lượng của rừng trồng kinh tế.

Một phần của tài liệu Tác động của các nhà máy chế biến dăm gỗ đối với sự phát triển rừng trồng kinh tế ở thừa thiên huế (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w