TÁC ĐỘNG CỦA CÁC NHÀ MÁY CHẾ BIẾN DĂM GỖ ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN RỪNG TRỒNG KINH TẾ Ở THỪA THIÊN HUẾ
3.1.2.1. Vấn đề xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu
Nguồn nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hoạt động sản xuất các nhà máy chế biến dăm gỗ. Không có nguồn nguyên liệu đầu vào thì các nhà máy không thể hoạt động được, do đó vấn đề xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đảm bảo chủ động trong sản xuất luôn được các nhà máy quan tâm đặc biệt.
Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, các nhà máy đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát hiện trường trên địa bàn các huyện vùng gò đồi, miền núi của tỉnh để tìm kiếm quỹ đất đầu tư phát triển trồng rừng nguyên liệu. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy quỹ đất trồng rừng hiện nay của tỉnh thường không tập trung, nằm phân tán, địa hình đi lại khó khăn, chủ yếu nằm ở vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển nên không thuận lợi để các nhà máy đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mang tính công nghiệp. Xuất phát từ thực tế nói trên, theo nhận định của các nhà máy chế biến dăm gỗ, thì để khai thác hết tiềm năng đất đai hiện nay của tỉnh, cần phát triển các mô hình trang trại, vườn rừng quy mô hộ gia đình là phù hợp nhất.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu hoạt động, các nhà máy hiện nay đang tập trung thu mua nguồn gỗ nguyên liệu có sẵn trên thị trường trong tỉnh, đồng thời phát triển thêm mạng lưới thu mua gỗ ở các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Hình thức thu mua chủ yếu là mua trực tiếp từ các hộ gia đình và mua qua thương lái.
Để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, các nhà máy cũng đang nghiên cứu triển khai việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đến từng hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Các nhà máy sẽ hỗ trợ cây giống phân bón, các dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho các hộ, khi rừng trồng đến tuổi khai thác, các nhà máy sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm của hộ theo giá thị trường. Bên cạnh đó, các nhà máy còn đang cân nhắc đến một số trường hợp người dân tuy đã nhận sự hỗ trợ từ nhà máy để phát triển rừng trồng kinh tế nhưng khi thu hoạch sản phẩm lại không bán cho nhà máy mà bán ra ngoài với giá cao hơn, gây thiệt hại cho nhà máy.
Việc thu mua gỗ nguyên liệu trực tiếp từ các hộ gia đình đang có xu hướng giảm dần do các nhà máy không đủ nhân lực, hơn nữa cán bộ của nhà máy cũng thiếu kinh nghiệm trong việc định giá rừng trồng và tổ chức quản lý khai thác, dễ gây ra thất thoát, hiệu quả đem lại không cao.
Tuy nhiên, các nhà máy vẫn xem đây là một định hướng giải pháp khả thi để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, hiệu quả trong tương lai, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các hộ trồng rừng, phù hợp với nhu cầu của phần lớn các hộ trồng rừng kinh tế. Các giải pháp đồng bộ cũng đang được các nhà máy xem xét triển khai trong thời gian tới.