Tuy số lượng các cơ sở SX sản phẩm nhôm định hình trong nước chưa nhiều, chỉ trên 11 Nhà máy, nhưng tính chất cạnh tranh trong những năm gần đây ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài ra, một lượng không nhỏ nhôm định hình nhập khẩu cũng gây không ít khó khăn cho các DN trong nước.
Đối thủ cạnh tranh nước ngoài đầu tiên cần kể đến là nhôm định hình của Trung quốc. Sản phẩm nhôm Trung Quốc có đặc điểm là độ dày nhỏ hơn sản phẩm của Nhà máy. Với một thanh sản phẩm cùng loại thì sản phẩm nhôm Trung Quốc có trọng lượng nhỏ hơn và bán với giá rẻ hơn, do đó những người thích giá rẻ thường chọn những sản phẩm này. Tuy nhiên, do độ bền cơ học kém nên đối với những công trình cao tầng, khách hàng không dám dùng hàng Trung Quốc.
Nhóm sản phẩm cạnh tranh từ nước ngoài nữa là sản phẩm của các nước Úc, Niu-di-lân, Hàn Quốc, Pháp, Nhật, Thái Lan... Sản phẩm nhập từ các nước này có chất lượng rất tốt, nhưng giá lại rất cao. Tuy nhiên, đa số các công trình liên doanh hoặc công trình có vốn đầu tư nước ngoài, các chủ đầu tư thường dùng hàng của họ đem sang hoặc yêu cầu chủ thầu xây dựng sử dụng hàng của chính nước họ, đo đó, tuy giá cao nhưng các sản phẩm này vẫn có mặt trên thị trường Việt Nam.
Mỗi Nhà máy sản xuất sản phẩm nhôm định hình trong nước đều có các thế mạnh riêng của nó về chất lượng, giá cả, phân phối và xúc tiến. Sau đây là đặc điểm nổi bật của các đối thủ cạnh trạnh trực tiếp của Nhà máy:
- Về chất lượng: Nếu chia chất lượng thành 5 mức: mức 1: chất lượng cao, mức 2: chất lượng khá cao, mức 3: chất lượng trung bình, mức 4: chất lượng hơi thấp và mức 5: chất lượng thấp thì các nhà máy nhôm đình hình trong nước được xếp thành 5 nhóm tương ứng như sau:
+ Nhóm 1 gồm: các Nhà máy Nhôm TungKuang Đồng Nai, TungShin + Nhóm 2 gồm: các Nhà máy Nhôm Đông Anh, Thành Long, VIJALCO
+ Nhóm 3 gồm: các Nhà máy Nhôm TungKuang Hải Dương, Đồng Hới, YngHua, Hacipco
+ Nhóm 4 gồm: các Nhà máy nhôm TigerWin, Ameritech. + Nhóm 5 gồm: các Nhà máy Nhôm Sông Hồng, COSEVCO.
- Về giá cả: Nếu cũng chia giá cả thành 5 mức: mức 1: giá cao, mức 2: giá khá cao, mức 3: giá trung bình, mức 4: giá hơi thấp và mức 5: giá thấp thì các nhà máy nhôm đình hình trong nước được xếp thành 5 nhóm tương ứng như sau:
+ Nhóm 1 gồm: Nhà máy Nhôm TungKuang Đồng Nai + Nhóm 2 gồm: các Nhà máy Nhôm TungShin
+ Nhóm 3 gồm: các Nhà máy Đồng Hới, Thành Long, Đông Anh, VIJALCO, YngHua, Hacipco, TungKuang Hải Dương
+ Nhóm 4 gồm: các Nhà máy TigerWin, Ameritech.
+ Nhóm 5 gồm: các Nhà máy Nhôm Sông Hồng, COSEVCO.
Nhà máy Nhôm Đồng Anh mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2004, với dây chuyển công nghệ hiện đại, SX với quy mô lớn và chất lượng cao nhưng vì đang trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm nên họ chỉ tung sản phẩm ra thị trường với giá thuộc nhóm trung bình.
Các Nhà máy Nhôm Sông Hồng và COSEVCO chủ trương SX sản phẩm với chất lượng thấp để phục vụ cho những khách hàng thích giá rẻ. Nhưng chất lượng và giá cả lại không cạnh tranh được với nhôm định hình Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường Việt Nam. Vì không cạnh tranh được, lại không có khả năng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, trong khi tình trạng thua lỗ kéo dài, cho nên họ đang dẩn thu hẹp quy mô để rút khỏi thị trường. Trong Quý I năm 2005, Nhà máy Nhôm Sông Hồng chỉ cho dây chuyền chạy 1 ngày/tuần, còn Nhà máy Nhôm COSEVCO đã ngừng SX và chỉ bán sản phẩn tồn kho của năm trước [24].
Về thị trường mục tiêu: Các Nhà máy Nhôm TungKuang Đồng Nai, TungShin, VIJALCO, YngHua, TigerWin chủ yếu tập trung tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam bộ và Đông Nam Bộ. Nhà máy Nhôm TungKuang Đồng Nai trong những năm gần đây đang mở rộng thị trường ra các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, sản phẩm của họ nhanh chóng được người mua chấp nhận.
Các Nhà máy Nhôm Sông Hồng, Thành Long, Đông Anh và Haicipco chủ yếu tập trung tại thị trường Hà Nội, Đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh phía Bắc khu vực Bắc
Trung bộ. Các Nhà máy Nhôm Thành Long, Đông Anh mới tham gia vào thị trường từ cuối năm 2004, đang giai đoạn giới thiệu sản phẩm nên số lượng tiêu thụ còn hạn chế, họ chỉ mới SX khoảng 40% công suất thiết kế (công suất Nhà máy nhôm Đông Anh là 10.000 tấn/năm, Nhà máy Nhôm Thành Long là 6.000 tấn/năm).
Về phân phối: Các Nhà máy SX trong nước chủ yếu sử dụng kênh phân phối gián tiếp qua các trung gian. Riêng các Nhà máy Nhôm TungKuang Đồng Nai và TungKuang Hải Dương xây dựng cho họ một hệ thống các đại lý độc quyền, các cửa hàng bán lẻ trực thuộc rộng khắp trên các khu vực thị trường mục tiêu của họ. TungKuang không những cung cấp sản phẩm cho thị trường mà họ còn cung cấp cho các xưởng, cơ sở gia công riêng của họ, do đó khối lượng tiêu thụ của họ luôn chủ động, ổn định và ngày càng tăng.
Về xúc tiến: Công ty TungKuang là DN tập trung nhiều nhất cho các hoạt động xúc tiến. Họ có chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Các Nhà máy TungShin, YngHua, TigerWin, Đồng Hới chủ yếu xúc tiến thông qua các cuộc hội chợ hàng công nghiệp. Trong số các nhà máy SX trong nước chỉ có các Nhà máy TungKuang, TungShin là có trang Web riêng để quảng bá thương hiệu của mình.
Năm 2005, trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, các Nhà máy nhôm thanh định hình Đồng Hới sẽ đầu tư mở rộng SX, tăng sản lượng từ 3.000 lên 5.000 tấn năm, Nhà máy nhôm TungShin tăng sản lượng từ 12.000 lên 24.000 tấn/năm và Công ty TungKuang tăng sản lượng của cả hai Nhà máy từ 7.000 lên 12.000 tấn/năm.