Môi trường kỹ thuật và công nghệ

Một phần của tài liệu Xây dựng chương trình marketing mix của nhà máy nhôm thanh định hình đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 71 - 74)

Trên thế giới, kỹ thuật và công nghệ SX nhôm định hình đã đạt đến trình độ phát triển khá cao. Vì vậy, cơ cấu sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng cao, giá thành ngày càng hạ và chu kỳ sống của nhiều loại sản phẩm được rút ngắn. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trong nội bộ ngành và tỷ suất lợi nhuận có xu hướng bình quân hoá. Chỉ những DN năng động, đi đầu về công nghệ, có chiến lược và chương trình marketing tốt thì mới chiếm được ưu thế trên thị trường.

Hiện nay, mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhôm định hình trong nước có nhiều tiến bộ vượt trội so với 10 năm trước và không thua kém nhiều so với những nước có ngành công nghiệp nhôm định hình phát triển. Đó là nhờ sự đầu tư về máy móc thiết bị và đổi mới công nghệ của các DN. Tuy nhiên, đối với nước ta, những vấn đề về nghiên cứu, tìm ra các công thức nhôm mới vừa có tình chất ưu việt, vừa không gây tác động xấu đối với môi trường; vấn đề chế tạo khuôn mẫu và máy móc thiết bị phục vụ SX còn rất yếu kém. Từ trước đến nay, Việt Nam là nước nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu, máy móc thiết bị, khuôn mẫu và thậm chí cả nhân lực để SX ra sản phẩm. Nói chung, ngành nhôm định hình nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài và tính cạnh tranh quốc tế chưa cao.

Những thập niên cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội và cuộc sống. Thương mại điện tử xuất hiện như là một hiện tượng tất yếu của quá trình phát triển. Ngày nay, ở các nước công nghiệp phát triển, hầu như mọi sản phẩm đều có thể mua mà không cần đi đến cửa hàng. Người mua có thể xem hình ảnh và sản phẩm trên Internet, xem các bản mô tả đặc điểm, so sánh giá giữa các nhà SX hoặc các nhà phân phối và tìm các điều kiện mua hàng tốt nhất rồi nhấn nút để đặt hàng và trả tiền qua mạng máy tính [36]. Các nhà SX cũng có thể mua nguyên, vật liệu và các yếu tố đầu vào qua Internet với chi phí thấp và độ tin cậy cao về chất lượng cũng như thời gian giao hàng. Ở Việt Nam, thương mại điện tử chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng trong tương lai không xa, nó sẽ dần thay thế phương thức mua bán truyền thống. Đây là điều mà các DN thương mại cũng như DN SX cần phải quan tâm và đầu tư thích đáng để hoà nhập vào vòng xoáy phát triển của xã hội.

3.1.1.2- Môi trường vi môa- Nhà cung cấp a- Nhà cung cấp

Trong các yếu tố đầu vào của Nhà máy nhôm thanh định hình Đồng Hới, nguyên vật liệu là yếu tố quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí SX, khoảng 80%. Do ngành công nghiệp SX nhôm nguyên liệu của Việt Nam chưa phát triển nên nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu của Nhà máy là các nhà cung cấp nước ngoài từ Đài Loan, Thái Lan, Singapo, Mỹ, Nhật… qua Nhà phân phối là Công ty Pormosa Shyen Horng Metal SDN.PHD của Malaisia đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà máy cũng có quan hệ tốt với các nhà cung cấp trong nước như: Công ty Hoá chất Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Hoá chất Hà Nội, Công ty Nhôm nguyên liệu Hợp nhất... Sau hơn 05 năm hoạt động, nhờ có mối quan hệ tốt với nhà cung cấp mà việc giao dịch mua nhôm phôi nguyên liệu và các vật liệu phụ để phục vụ SX khá thuận lợi.

Khó khăn lớn nhất trong việc cung ứng nguyên vật liệu của Nhà máy là giá cả thường xuyên biến động theo chiều hướng ngày càng tăng do ảnh hưởng của sự biến động giá nhôm nguyên liệu tại thị trường Liên minh EU và sự biến động của tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD [10], [11], [14], [15]. Ngoài ra, vấn đề vận tải cũng kém thuận lợi hơn so với các DN khác ở phía Nam và phía Bắc, cước phí cao và thời gian vận chuyển dài ngày, khả năng gặp rủi ro cao. Tuy nhiên, việc thanh toán tương đối thuận lợi nhờ sự hỗ trợ của các ngân hàng và các nhà cung cấp tài chính khác có thể cấp tín dụng thương mại cho Nhà máy khi giao dịch mua hàng.

Phần lớn máy móc thiết bị và khuôn mẫu Nhà máy phải nhập khẩu từ các nước Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan… Đây là bất lợi lớn của cả ngành nhôm Việt Nam nói chung và của Nhà máy nói riêng, làm cho tính linh hoạt trong SX và khả năng cạnh tranh quốc tế bị hạn chế.

Các yếu tố điện, nước phục vụ SX được cung cấp tại chỗ bởi Điện lực Quảng Bình và Công ty cổ phần Cấp nước thoát nước Quảng Bình khá thuận lợi với chi phí hợp lý.

Về lao động chuyên môn, hiện tại, trong khu vực miền Trung chưa có Trường Đại học nào đào tạo chuyên sâu và có trình độ cao về công nghệ SX ngành nhôm. Công nhân chủ yếu được đào tạo tại Trường trung học kỹ thuật Công- Nông nghiệp Quảng Bình. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật Nhà máy phải tuyển những Kỹ sư về các chuyên ngành điện, điện tử, hoá, cơ khí... rồi tự huấn luyện, đào tạo kiến thức về công nghệ SX nhôm hoặc tổ chức các khoá bồi dưỡng ngắn hạn để bổ túc và trang bị

thêm các kiến thức, công nghệ mới trong SX nhôm định hình. Tuy có nhiều cố gắng, nhưng khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng của cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong SX.

Về nguồn vốn kinh doanh, ngoài vốn chủ sở hữu, Nhà máy còn vay dài hạn và ngắn hạn từ Quỹ hỗ trợ phát triển của tỉnh và các ngân hàng thương mại có chi nhành tại Quảng Bình như Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư- Phát triển… để đầu tư mở rộng SX, KD. Nhà máy đã tạo được mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp tài chính này nên luôn dành được sự quan tâm và tạo điều kiện tốt, kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn của Nhà máy.

Một phần của tài liệu Xây dựng chương trình marketing mix của nhà máy nhôm thanh định hình đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(86 trang)
w