4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.3.3. Tính phong phú, đa dạng
Một đặc điểm của các làng nghề TCMN truyền thống ở VN là được nằm rải rác trên cả nước, hầu như địa phương nào cũng có những làng nghề với những sản phẩm TCMN truyền thống, gắn với di tích lịch sử, phong tục tập quán và văn hoá ở địa phương. Tính đa dạng trên trước hết là do nước ta nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có khả năng lưu thông và mở cửa thuận lợi ra các nước nên có điều kiện giao lưu, tương tác, hấp thụ những nét văn hoá từ nhiều dân tộc khác; mặt khác, tài nguyên đất, rừng, biển ...của VN tương đối phong phú, tiềm năng khai thác lớn. Đặc biệt điều kiện thời tiết, khí hậu, tính đa dạng nhiều vẻ của đất đai, nguồn nước rất thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, thú rừng, vật nuôi, hải sản...là các loại nguyên vật liệu cần thiết để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển phong phú.
Nghề thủ công VN đa dạng và từng nghề cũng có các làng nghề đa dạng, chẳng hạn có gốm Bát Tràng, nhưng cũng có gốm Hương Canh, Phù Lãng (xứ Bắc), gốm Móng Cái (Quảng Ninh), gốm Quế Quyển xứ Nam, gốm Phước Tích của Quảng Trị Thừa Thiên, gốm Thanh Hà của Hội An xứ Quảng, gốm Biên Hoà, sông Bé của miền Đông Nam Bộ, gốm Mnông ở Buôn Hồ, gốm Tà Ôi ở Vel (làng T’muôi)... Có làng nghề đúc đồng ở Hè Nôm, lại cũng có làng nghề gò đồng ở Đại Bái (Bưởi Nồi), ở Vó (Quảng Bố), ở Thiệu Lý Thanh Hoá, ở Phường Đúc xứ Huế, có nghề rèn sắt thép Đa Sĩ (Hà Tây), rèn Canh diễn, phố lò rèn Hà Nội, lại có nghề rèn của người H’Mông (Mèo), của người B’Ru, Tà Ôi, K’Tu... đa dạng về bí quyết, quy trình công nghệ, về chất liệu, về các mặt hàng,... Cho nên nhiều khi cùng một nghề mà có thể có nhiều vị tổ nghề, tuỳ làng, tuỳ địa phương. [7,8; 2,61]
Nhiều ý kiến hiện nay đã thống nhất phân chia ngành nghề thủ công truyền thống thành các nhóm chính là :
1/ Các ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như : gốm sứ mỹ nghệ, sơn mài, thêu, ren, thảm, khảm, chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, chạm, mạ vàng bạc, dệt tơ tằm, thổ cẩm, mây tre đan các loại...
2/ Các ngành nghề sản xuất công cụ sản xuất như : rèn sắt, làm cày bừa, nông cụ, đóng thuyền...
3/ Các ngành nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ tiêu dùng thông thường như : dệt chiếu, làm nón, đan mành, rổ, rá, sọt, bồ, bện thừng, dệt vải, may mặc...
4/ Các ngành nghề phục vụ cho sản xuất và đời sống như : nề, mộc, hàn, đúc đồng, gang, sản xuất vật liệu xây dựng...
5/ Các ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm như : xay xát, làm bún, bánh, đường mật, làm tương, đậu phụ, nấu rượu, chế biến hải sản các loại... [9,12]