4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.3. ĐẶC ĐIỂM NGÀNH NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
1.3.1. Đặc điểm lịch sử
Việt Nam là một trong những nước có nghề thủ công lâu đời, nhiều làng nghề, phố nghề và trung tâm sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Nhiều nơi có lịch sử nghề từ bao thế kỷ, đến nay vẫn được duy trì và phát triển. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ nước ta rất phong phú, tinh tế. Các nghệ nhân và thợ thủ công Việt Nam tài hoa với đôi bàn tay khéo léo, trí thông minh, óc thẩm mỹ tinh tế đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, trong đó có không ít các sản phẩm được lưu giữ như một báu vật vô giá.
Trống đồng Đông Sơn là một trong những loại sản phẩm của nghề đúc đồng đương thời đã đạt đến tuyệt đỉnh về kỹ thuật và nghệ thuật. Giai đoạn này khá nhiều nghề thủ công đã ra đời như luyện kim đen, rèn đồ sắt, chế tạo thuỷ tinh, dệt vải, đóng thuyền, nghề sơn... bên cạnh một số nghề xuất hiện rất lâu trước đó như nghề đan lát, nghề chế tác đá, nghề mộc... Trãi qua nhiều bước thăng trầm trong lịch sử nhiều ngành nghề thủ công của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ như nghề gốm, nghề sản xuất tơ
lụa, chạm khắc gỗ, đúc đồng, kim hoàn... đều đã đạt tới trình độ tuyệt kỷ, tinh xảo cả về kỹ thuật và nghệ thuật được bảo tồn, truyền đến ngày nay. [16,7]
1.3.2. Đặc điểm văn hoá
Bản sắc văn hoá của bất cứ dân tộc nào cũng đều là nền tảng cho sự tồn tại của dân tộc đó. Truyền thống văn hóa được biểu hiện tập trung ở bản sắc văn hoá dân tộc, đó vừa là động lực cũng là mục tiêu của sự phát triển. Nghề thủ công với những sản phẩm của nó thật sự đã góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc và tự nó đã là những di sản văn hoá của dân tộc. Sản phẩm thủ công có hai loại giá trị truyền thống: một là căn cứ vào giá trị kỹ thuật như nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, kỹ thuật, mẫu mã... và hai là giá trị văn hoá, bao gồm lối sống truyền thống và di sản của người dân, những câu chuyện huyền bí, đức tin về văn hoá xã hội, các nghi lễ và lễ hội. Cả hai yếu tố này được phát triển hàng trăm năm trong môi trường văn hoá VN và đã trở thành một di sản văn hoá được kế thừa của cả vùng. Các sản phẩm thủ công gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, được dùng trong các lễ hội và trang trí mang tính tôn giáo hay được dùng làm hàng hoá và được đánh giá cao vì công dụng và vẻ đẹp của chúng.
Phát triển ngành nghề TCMN có tác động tích cực đến hoạt động văn hoá tại các địa phương. Do đặc điểm nghề nghiệp, tại các địa bàn có ngành nghề truyền thống phát triển thường có những nét đẹp của đời sống văn hoá rất riêng, bởi người thợ hành nghề bên cạnh mục đích kinh tế còn kết hợp với các yếu tố khác thiêng liêng, mật thiết, nó trở thành chất kết dính bền vững trong các làng nghề. Đó là những hoạt động hướng về cội nguồn, đoàn kết để phát triển. Ở hầu hết các làng nghề đều tổ chức các hoạt động mang tính lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của những ông tổ đã dạy và truyền nghề cho dân. Những người cùng làm nghề hình thành nên các hội nghề nghiệp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc giữ gìn, phát triển nghề nghiệp và đổi mới cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đó cũng là những nét văn hoá thể hiện trong quá trình sản xuất-kinh doanh.
Văn hoá làng nghề không chỉ được thể hiện rõ, nhận biết ngay trong sản phẩm TCMN của các làng nghề, mà còn thể hiện ngay trong phương thức kinh doanh
của mỗi doanh nghiệp cũng như trong thái độ ứng xử của mỗi doanh nhân. Chúng ta xuất khẩu hàng TCMN ra thị trường thế giới càng nhiều càng tốt, nhưng tất cả cần phải toát lên bản sắc văn hoá VN, làm cho sản phẩm, hàng hoá mang thương hiệu VN nhưng vẫn có những nét riêng của từng làng nghề, không lẫn được với sản phẩm, hàng hoá của những nước khác, cũng tức là mang văn hoá kinh doanh của VN ra thế giới, góp phần làm phong phú thêm văn hoá kinh doanh toàn cầu. [32; 10,12; 1,6-73]
1.3.3. Tính phong phú, đa dạng
Một đặc điểm của các làng nghề TCMN truyền thống ở VN là được nằm rải rác trên cả nước, hầu như địa phương nào cũng có những làng nghề với những sản phẩm TCMN truyền thống, gắn với di tích lịch sử, phong tục tập quán và văn hoá ở địa phương. Tính đa dạng trên trước hết là do nước ta nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có khả năng lưu thông và mở cửa thuận lợi ra các nước nên có điều kiện giao lưu, tương tác, hấp thụ những nét văn hoá từ nhiều dân tộc khác; mặt khác, tài nguyên đất, rừng, biển ...của VN tương đối phong phú, tiềm năng khai thác lớn. Đặc biệt điều kiện thời tiết, khí hậu, tính đa dạng nhiều vẻ của đất đai, nguồn nước rất thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, thú rừng, vật nuôi, hải sản...là các loại nguyên vật liệu cần thiết để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển phong phú.
Nghề thủ công VN đa dạng và từng nghề cũng có các làng nghề đa dạng, chẳng hạn có gốm Bát Tràng, nhưng cũng có gốm Hương Canh, Phù Lãng (xứ Bắc), gốm Móng Cái (Quảng Ninh), gốm Quế Quyển xứ Nam, gốm Phước Tích của Quảng Trị Thừa Thiên, gốm Thanh Hà của Hội An xứ Quảng, gốm Biên Hoà, sông Bé của miền Đông Nam Bộ, gốm Mnông ở Buôn Hồ, gốm Tà Ôi ở Vel (làng T’muôi)... Có làng nghề đúc đồng ở Hè Nôm, lại cũng có làng nghề gò đồng ở Đại Bái (Bưởi Nồi), ở Vó (Quảng Bố), ở Thiệu Lý Thanh Hoá, ở Phường Đúc xứ Huế, có nghề rèn sắt thép Đa Sĩ (Hà Tây), rèn Canh diễn, phố lò rèn Hà Nội, lại có nghề rèn của người H’Mông (Mèo), của người B’Ru, Tà Ôi, K’Tu... đa dạng về bí quyết, quy trình công nghệ, về chất liệu, về các mặt hàng,... Cho nên nhiều khi cùng một nghề mà có thể có nhiều vị tổ nghề, tuỳ làng, tuỳ địa phương. [7,8; 2,61]
Nhiều ý kiến hiện nay đã thống nhất phân chia ngành nghề thủ công truyền thống thành các nhóm chính là :
1/ Các ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như : gốm sứ mỹ nghệ, sơn mài, thêu, ren, thảm, khảm, chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, chạm, mạ vàng bạc, dệt tơ tằm, thổ cẩm, mây tre đan các loại...
2/ Các ngành nghề sản xuất công cụ sản xuất như : rèn sắt, làm cày bừa, nông cụ, đóng thuyền...
3/ Các ngành nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ tiêu dùng thông thường như : dệt chiếu, làm nón, đan mành, rổ, rá, sọt, bồ, bện thừng, dệt vải, may mặc...
4/ Các ngành nghề phục vụ cho sản xuất và đời sống như : nề, mộc, hàn, đúc đồng, gang, sản xuất vật liệu xây dựng...
5/ Các ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm như : xay xát, làm bún, bánh, đường mật, làm tương, đậu phụ, nấu rượu, chế biến hải sản các loại... [9,12]
1.3.4. Tính mỹ thuật, độc đáo của sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sự kết tinh và tính kế tục qua nhiều thế hệ của lao động thủ công tính kế tục qua nhiều thế hệ của lao động thủ công
Lao động trong các làng nghề truyền thống chủ yếu là lao động thủ công nhờ vào kỹ thuật khéo léo, tinh xảo của đôi bàn tay, vào đầu óc thẩm mỹ và tính sáng tạo của người thợ, của các nghệ nhân. Phương pháp dạy nghề chủ yếu được thực hiện theo phương pháp truyền nghề. Hầu hết các làng nghề truyền thống dù hình thành bằng con đường nào đi nữa thì chúng phải có các nghệ nhân làm nồng cốt và là người thầy hướng dẫn để phát triển các làng nghề. Mỗi làng đều có một tổ nghề chính là người đầu tiên dạy nghề, truyền nghề, đem bí quyết nghề nghiệp ở nơi khác về truyền cho làng mình. Chính nghệ nhân, thợ cả đã giữ cho làng nghề tồn tại, đã đào tạo ra những người thợ kế tục theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, “vừa làm vừa học” ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác. Cứ như thế, những thế hệ thợ thủ công kế tiếp nhau, đan xen nhau, lớp này đến lớp khác, đời sau nối tiếp đời trước. Sự tồn tại và phát triển của NNTC từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến hôm nay, chứng tỏ rằng, nghề thủ công mỹ nghệ không phải chỉ có tính giai đoạn, chuyển tiếp hay nhất thời mà còn có lý do tồn tại vì chính tính chất của nó. Thợ thủ công không
chỉ là những người thợ sản xuất, mà còn là những nghệ nhân, không chỉ sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng mà còn sản xuất ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật. Chức năng nghệ thuật, tính chất mỹ thuật của nghề thủ công mỹ nghệ chính là điều kiện làm cho nghề thủ công vượt lên tính giai đoạn để tồn tại song song với ngành đại công nghiệp. Các nhà tư tưởng cũng như các định nghĩa đã trở thành quy điển đều khẳng định nghề thủ công là nơi gặp gỡ của nghệ thuật và kỹ thuật. “Lao động
thủ công nghiệp... bản thân nó, một nữa là nghệ thuật, một nữa là mục đích tự thân”.
(K.Marx). Hay như tự điển Bách Khoa, xuất bản năm 1971 của nhà xuất bản Mac Milan Company : “Thủ công nghiệp vừa là một cách thức sản xuất có tính chất
công nghiệp, vừa là một dạng hoạt động có tính chất mỹ thuật”
Nghề thủ công ở nước ta cũng như trên thế giới vẫn tiếp tục tồn tại và có chỗ đứng của mình, vì con người ở mọi nơi, vào mọi thời đại, ngoài cái tiện lợi, vẫn còn cần đến cái đẹp, ngoài những vật dụng mang tính kỹ thuật, máy móc, vẫn cần đến những sản phẩm mang tính “nhân văn”, biểu lộ những trăn trở, suy tư của nghệ nhân, những cái làm nên nét độc đáo của từng sản phẩm thủ công. Sản phẩm thủ công ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng, chủ yếu là do những biến đổi trong xã hội những năm gần đây. Sự đồng cảm về các vấn đề môi trường đã dẫn tới nhu cầu tái tạo thiên nhiên và lối sống “hoà mình với thiên nhiên”, đa dạng văn hoá . Người dân yêu mến thiên nhiên và tìm kiếm sự nhẹ nhàng, sự gần gủi từ thiên nhiên, và sử dụng những yếu tố đó để tạo ra một không khí đặc biệt trong không gian sống đô thị. Chính những đặc điểm như sự ấm cúng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những kỹ thuật phát triển ở môi trường địa phương và vẻ đẹp của nguyên liệu qua bàn tay của những người thợ thủ công, các nghệ nhân đã biến thành các tác phẩm nghệ thuật đang được xã hội hiện đại ưa chuộng. [37,2-49; 17,17; 15,222].
1.4. NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NGHỀ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ NGHỀ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
Ngành nghề thủ công mỹ nghệ xuất hiện từ nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống con người, sự hưng thịnh của từng ngành nghề đều chịu sự ảnh hưởng của các nhân tố tác
động đến nó qua từng thời kỳ. Nhân tố ảnh hưởng thì có nhiều, ở đây chúng tôi chỉ xem xét một số tác động có tính chủ yếu.
1.4.1. Sự biến động của thị trường
Sự thay đổi nhu cầu của thị trường tạo định hướng cho sự phát triển của các làng nghề. Nhu cầu thị trường thì rất lớn, hết sức đa dạng và thường xuyên biến đổi. Từ khi nước ta bắt đầu tiếp cận với nền văn minh phương Tây, nền công nghiệp cơ khí bắt đầu phát triển ở VN, nhu cầu xã hội đã dần thay đổi. Những làng nghề có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhu cầu của thị trường đã có sự phát triển nhanh chóng. Ngược lại có những ngành nghề, làng nghề bị giảm sút, mai một do không bắt kịp sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường, chúng bị các sản phẩm công nghiệp hiện đại thay thế. Ngay cả trong một ngành nghề cũng có những làng nghề phát triển được trong khi một số làng khác lại không phát triển được. Đơn cử trong nghề gốm sứ, làng gốm Bát tràng (Hà Nội) không những giữ được nghề mà còn lan toả sang các làng khác tạo thành một vùng nghề gốm sứ, trong khi làng nghề gốm Anh Hồng (Quảng Ninh), làng nghề gốm sứ cậy (Hải Dương) thì sa sút bởi sản phẩm làm ra vẫn chỉ là những sản phẩm truyền thống, ít chú ý đến sự thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng và giá cả nhằm đáp ứng được sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng trên thị trường. [9,48; 17,16]
Bên cạnh thị trường đầu ra, thị trường yếu tố đầu vào có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành này. Sau nhiều năm phát triển, nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng, các địa phương thay nhau khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch và đầu tư dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu gỗ, tre, trúc sào, giang, nứa, mây…Nguyên liệu vải có chất lượng phục vụ cho sản xuất hàng thêu hầu như phải nhập khẩu hoàn toàn khiến cho chi phí nguyên liệu chiếm từ 60-80% chi phí sản xuất. Hay nguồn nguyên liệu đất sét phù hợp không có sẵn đã hạn chế sản xuất ra những sản phẩm gốm chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường thế giới. Nguồn nguyên liệu nhập ngoại với giá thành cao làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới. Hay như nghề mộc mỹ nghệ, từ trước đến nay các cơ sở mộc mỹ nghệ vẫn dùng nguyên liệu gỗ cao cấp, nay đóng cửa rừng làm cho nguồn gỗ khan hiếm nên giá tăng
lên gấp nhiều lần, giả sử có nhập gỗ thì cũng không nhập được gỗ quý. Nghề chạm khảm phải dùng vỏ trai, vỏ ốc trong nước nhưng khai thác nhiều nên không chỉ giảm về số lượng mà chất lượng cũng giảm. Việc nhập vỏ ốc, vỏ trai của Trung Quốc, Singapore thì quá đắt nên hàng bán ra khó được chấp nhận. Để khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công, nhất là ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chúng ta cần có chiến lược dài hạn để phát triển nguồn nguyên vật liệu cho ngành nghề thủ công mang tính bền vững. [54; 4,193-194]
1.4.2. Trình độ kỹ thuật và công nghệ
Ngành nghề thủ công mỹ nghệ nước ta đang từ truyền thống tiến lên hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, nhu cầu đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất trong mỗi cơ sở sản xuất, mỗi doanh nghiệp và trong phạm vi từng làng nghề. Thị trường nội địa và xuất khẩu phát triển nhanh chóng đã đặt ra yêu cầu hoàn toàn mới đối với nghề thủ công mỹ nghệ. Trước hết, là đòi hỏi số lượng hàng hoá tăng gấp bội, thời hạn giao hàng bị khống chế chặt chẽ bằng hợp đồng; do đó, yêu cầu tăng nhanh năng suất lao động luôn đặt ra rất bức bách. Nhiều nghề đã sử dụng khá phổ biến các loại máy nhỏ trong sản xuất hàng ngày, đặc biệt là nghề mộc, hầu như đã sử dụng máy trong tất cả các công đoạn của sản xuất. Nhiều người còn dựa theo máy của công nghiệp để tự chế tạo các máy đơn giản dùng động cơ điện, sử dụng rất hiệu quả trong sản xuất như máy khuấy sơn ta, máy se tơ, dệt lụa... Các nghề thủ công ngày nay rất chú trọng đến các giải pháp kỹ thuật của công nghiệp để xử lý và chế biến nguyên liệu như kỹ thuật thấm các-bon trong nghề mây, tre, lò sấy gỗ... Các chế phẩm của công nghiệp cũng được dùng khá phổ biến, như các loại keo dán, chất phủ bóng bề mặt, sơn màu, các loại nhựa... Tại các cơ sở sản xuất lớn, còn tiếp thu cách tổ chức sản xuất của công nghiệp để phân chia quá trình sản xuất thành nhiều công đoạn liên kết với nhau, bố trí lao động chuyên môn hoá cao theo từng phần việc. Do vậy, diện mạo của làng nghề TCMN ngày nay đã đổi mới mang sắc thái công nghiệp hơn, chứ