Khái quát doanh nghiệp công nghiệp nhà nước của Đà Nẵng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hiệu quả sử dụng vốn ở các doanh nghiệp công nghiệp sau cổ phần hóa của Đà Nẵng pptx (Trang 34 - 37)

Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh QN-ĐN thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, có 81 DNNN thuộc thành phố quản lý. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN thông qua việc sáp nhập, gia nhập làm thành viên Tổng công ty, thành lập DN công ích, giải thể, phá sản và đặc biệt là giải pháp CPH DNNN, tính đến ngày 31/12/2005 Đà Nẵng chính thức chỉ còn 23 DNNN đang hoạt động, trong đó có 13 DN kinh doanh có lãi, 10 DN hoạt động thua lỗ hoặc hoà vốn. Tổng nguồn vốn Nhà nước là 772 tỷ đồng, bình quân 1 DN có vốn 33,5 tỷ đồng, nhưng phần lớn là vốn thuộc cơ sở hạ tầng (như quyền sử dụng đất, kênh mương thuỷ lợi, tuyến ống cống nước,…). Trong số 23 DNNN này theo đề án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, năm 2006 phải thực hiện CPH 11 DNNN và 4 DNNN đã được phê duyệt phương án CPH nhưng chưa đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần. Như vậy, số DN còn 100% vốn Nhà nước đến cuối năm 2006 chỉ còn lại 8 DN thuộc các lĩnh vực quan trọng và đặc thù của thành phố quản lý để thực hiện chuyển sang công ty TNHH 1 thành viên.

Tình hình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNCNNN của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo những lộ trình cụ thể sau:

- Sáp nhập DNNN:

Giai đoạn1997- 2000 đã sáp nhập 13 DN có quy mô nhỏ, cùng ngành nghề kinh doanh thành 6 DN có quy mô lớn hơn: ngành công nghiệp - 1 DN (Nhà máy điện cơ sáp nhập với Công ty cơ khí thành Công ty cơ khí và thiết bị điện); ngành thương mại - 2 DN (Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng sáp nhập với Công ty Xuất nhập khẩu QN- ĐN và Công ty Bách hoá vải sợi miền Trung thuộc Bộ Thương mại thành Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng; Công ty thương mại tổng hợp, Công ty Thương mại Hoà

Vang sáp nhập vào Công ty Thương mại- Dịch vụ QN-ĐN thành Công ty Thương mại - Dịch vụ Đà nẵng); ngành y tế - 1 DN(Công ty dược phẩm QN-ĐN sáp nhập với Công ty dược Đà Nẵng thành Công ty dược Đà Nẵng); ngành du lịch - 2 DN (Công ty du lịch - dịch vụ QN-ĐN sáp nhập vào Công ty du lịch Đà Nẵng thành Công ty du lịch - dịch vụ Đà nẵng; Công ty khách sạn Thái Bình Dương sáp nhập vào Công ty du lịch Non Nước thành Công ty Du lịch Non Nước).

Giai đoạn 2001-2005: Hợp nhất, sáp nhập 17 DN thành 8 DN có quy mô lớn hơn. Chuyển một bộ phận của Lâm trường Sông Nam thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ. Chuyển một bộ phận của Công ty công trình đô thị sang đơn vị sự nghiệp quản lý duy tu, bảo dưỡng đường của thành phố Đà Nẵng.

Qua việc sáp nhập đã giảm 16 DN thực chất hoạt động không hiệu quả. Sau khi sáp nhập đã giải quyết được một số tồn tại về mặt tài chính mà trước khi sáp nhập tự bản thân DN không thể giải quyết được như hàng tồn kho chậm luân chuyển, công nợ,…Vốn của các DN sau khi sáp nhập có tăng lên (trong đó cơ bản là TSCĐ), cán bộ lãnh đạo quản lý các DN có sự thay đổi theo hướng tích cực, việc tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Một số DN đã được UBND thành phố và các ngành có liên quan quan tâm xử lý một số tồn tại về mặt tài chính đã giảm lỗ và bước đầu có lãi, mở rộng mặt hàng kinh doanh cũng như thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, vẫn còn một số DN thật sự chưa thoát ra khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài, khả năng cạnh tranh vẫn bị hạn chế, chưa có sự đoàn kết nhất trí cao trong nội bộ. Sau khi sáp nhập, số lượng DN tuy có giảm nhưng nợ khó đòi và lỗ luỹ kế vẫn còn lớn nên xét về thực chất, nguồn vốn Nhà nước tuy có thể hiện trên sổ sách kế toán nhưng không còn hoặc còn quá ít để tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, do vậy các DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn, hiệu quả kinh doanh thấp do phải trả lãi vay ngân hàng quá lớn. Việc đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ chậm nên mất cơ hội kinh doanh, chi phí khấu hao và trả lãi vay lớn làm cho hiệu quả đầu tư thấp.

- Gia nhập làm thành viên Tổng công ty:

Chuyển 3 doanh nghiệp làm thành viên của các Tổng công ty: Công ty thảm len xuất khẩu Thanh Sơn vào Tổng Công ty dệt may Việt Nam, Công ty phát hành sách Đà

Nẵng vào Tổng Công ty phát hành sách, Công ty ximăng Hải Vân vào Tổng Công ty ximăng Việt Nam. Các DN này hoạt động sản xuất kinh doanh trung bình.

- Thành lập doanh nghiệp công ích:

Thành lập 3 DNNN hoạt động công ích: Công ty quản lý và khai thác các công trình thuỷ lợi Đà Nẵng, Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty quản lý bến và dịch vụ vận tải Đà Nẵng từ các đơn vị sự nghiệp kinh tế.

Việc thành lập DNNN hoạt động công ích đã làm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tiết kiệm chi phí, giảm bớt phần ngân sách cấp mà vẫn đảm bảo yêu cầu phúc lợi công cộng của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chưa phân biệt rõ ràng, cụ thể giữa hoạt động công ích với các hoạt động kinh doanh khác. Các hoạt động kinh doanh khác chưa được khai thác tối đa lợi thế kinh doanh để tăng doanh thu, hỗ trợ cho hoạt động công ích (thực tế hàng năm thành phố vẫn phải bù lỗ cho các DN này, đặc biệt là khoản bù 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi). Công tác quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều vấn đề phức tạp như đơn giá sản phẩm và phương pháp nghiệm thu sản phẩm chưa được quy định cụ thể, do vậy ảnh hưởng đến việc quản lý cũng như quyền lợi của người lao động.

- Giải thể, phá sản:

Giải thể 11 DN: ngành thuỷ sản - nông lâm - 3 DN (Nông trường 29-3, Lâm trường Hoà Vang, Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Đà Nẵng); ngành xây dựng - 1 DN (Công ty ximăng Đà Nẵng); ngành công nghiệp - 1 DN (Công ty giày Đà Nẵng); ngành văn hoá - thông tin - 3 DN (Công ty dịch vụ văn hoá thể thao, Công ty phát hành phim và chiếu bóng, Công ty tổ chức biểu diễn); ngành lao động - thương binh và xã hội - 1 DN (Công ty cung ứng lao động và phát triển kinh tế Đà Nẵng); ngành du lịch - 1 DN (Công ty khách sạn Đà Nẵng); Sở Kế hoạch - Đầu tư - 1 DN (Công ty dịch vụ tư vấn đầu tư).

Giai đoạn 1997-2000: giải thể 4 DN.

Giai đoạn 2001-2005: đã thực hiện giải thể 4 DN.

Quyết định và tuyên bố phá sản 1 DN trong giai đoạn 1997-2000, 7 DN trong giai đoạn 2001-2005 theo đúng luật định, giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định.

Quá trình thực hiện phá sản, giải thể diễn ra khó khăn, chậm chạp kéo dài hơn so với quy định bởi nhiều nguyên nhân:

- Đối với việc giải thể do tính phức tạp của việc nhượng bán, thanh lý tài sản lạc hậu, cũ kỹ, chuyên dùng; thu hồi công nợ kéo dài (nhất là nợ khó đòi). Ví dụ như Công ty xi-măng Đà Nẵng có số công nợ phải thu chưa đòi được là 7,8 tỷ đồng với 600 con nợ trên địa bàn 7 tỉnh; thanh toán nợ phải trả (do không đủ nguồn), các khoản tranh chấp, giải quyết thôi việc cho người lao động gặp nhiều khó khăn [44, tr.4].

- Đối với doanh DN bị xếp vào diện phá sản, trước hết do bộ máy quản lý DN hầu như không làm việc, các cán bộ tham mưu chuyển đi nơi khác hoặc tự ý nghỉ việc nên thời gian quyết toán, thu hồi công nợ, cung cấp hồ sơ kiểm toán kéo dài. Sự chỉ đạo, kết hợp của các ngành chủ quản đối với DN không được sâu sát, thường xuyên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

- Giao DNNN cho người lao động:

Năm 2002, hoàn thành việc thực hiện giao 2 DN cho người lao động là Công ty quảng cáo và dịch vụ tổng hợp Đà nẵng và Công ty cơ kim khí Đà Nẵng. Đặc điểm của DN đã giao là nguồn vốn kinh doanh quá nhỏ, ngành nghề kinh doanh mang tính xã hội hoá cao (thương mại, dịch vụ cơ khí), lao động ít. Vì vậy, khi giao cho người lao động quản lý thể hiện rõ tính hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định thu nhập cũng như việc làm. Đây là hình thức chuyển đổi DN phù hợp với loại hình DN có vốn nhỏ, lao động ít, tình hình tài chính minh bạch, rõ ràng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hiệu quả sử dụng vốn ở các doanh nghiệp công nghiệp sau cổ phần hóa của Đà Nẵng pptx (Trang 34 - 37)