Đường cung dài hạn của ngành.

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô ĐH An Giang (Trang 106 - 108)

Phân tích trong dài hạn

4.4.Đường cung dài hạn của ngành.

Trong phân tích cung ngắn hạn, đường cung của thị trường được xác định bằng cách cộng theo hoành độ của tất cả các đường cung của xí nghiệp trong ngành. Chúng ta không thể phân tích cung dài hạn giống như đã làm với cung ngắn hạn, vì trong dài hạn các xí nghiệp gia nhập hay rút khỏi thị trường khi giá thị trường thay đổi.

Để xác định đường cung dài hạn, chúng ta giả định tất cả các xí nghiệp có thể sử dụng được công nghệ sản xuất sẳn có. Sản lượng tăng bằng cách sử dụng nhiều đầu vào hơn chứ không phải bằng cách đổi mới công nghệ sản xuất. Chúng ta giả định rằng các điều kiện của thị trường đầu vào sản xuất không đổi khi ngành mở rộng hoặc thu hẹp qui mô sản xuất.

Cân bằng dài hạn trong ngành cạnh tranh hoàn toàn cần phân tích toàn bộ về điều chỉnh trong phạm vi ngành. Sự điều chỉnh chỉ được đặt vào các yếu tố đầu ra khi những xí ngiệp mới bị lôi cuốn gia nhập ngành vì lợi nhuận kinh tế. Thông thường những điều chỉnh chi phí sản xuất cũng được thực hiện. Tính chất của những điều chỉnh chi phí sản xuất này phụ thuộc vào ngành, có chi phí tăng dần, chi phí không đổi và chi phí giảm dần. Chính sự thay đổi chi phí sản xuất của những ngành đã quy định hình dạng của đường cung của ngành trong dài hạn.

Chúng ta sẽ phân tích lần lượt các trường hợp trên.

Ngành có chi phí sản xuất tăng dần.

Ở đây ta phân tích trường hợp gia nhập ngành của xí nghiệp mới làm tăng cầu về các yếu tố sản xuất, dẩn đến tăng giá các yếu tố sản xuất và chi phí sản xuất của xí nghiệp.

Trước hết chúng ta giả định ngành nằm trong tình trạng cân bằng dài hạn và nhất thiết nằm trong tình trạng cân bằng ngắn hạn tại E, với mức giá P và sản lượng của ngành là Q là tổng cộng sản lượng q của các xí nghiệp. Sau đó xét đến trường hợp cầu sản phẩm gia tăng, gây ra tác dụng ngắn hạn và dài hạn. Cuối cùng hình thành đường cung ngắn hạn và dài hạn của một ngành có chi phí tăng dần.

Đường cầu của ngành (D), đường cung ngắn hạn của ngành (SS), đường chi phí trung bình dài hạn (LAC), đường chi phí trung bình ngắn hạn (SAC), đường chi phí biên ngắn hạn đối với qui mô sản xuất (SMC) được cho như trong hình 5.17.

Hình 5.17

Đường cầu và đường doanh thu biên của xí nghiệp nằm ngang bằng với giá sản phẩm P ở tất cả các mức sản lượng q, tại đó LMC = SMC = MR = P. Sản lượng của ngành là Q - tổng sản lượng của các xí nghiệp cá nhân trong ngành. Ở mức giá P các xí nghiệp trong ngành đang trong tình trạng cân bằng dài hạn và ngắn hạn, xí nghiệp đang sử dụng qui mô sản xuất tối ưu với mức sản lượng tối ưu, không có lợi nhuận và không có lỗ lã.

Tác động trong ngắn hạn:

Giả sử cầu sản phẩm gia tăng do thu nhập dân cư tăng lên, đường cầu dịch chuyển từ (D) sang (D1). Khi cầu gia tăng, ở mức giá P sẽ gây tình trạng thiếu hụt hành hoá, do đó sản phẩm sẽ tăng lên từ P lên P’. Xí nghiệp để tối đa hoá lợi nhuận sẽ gia tăng sản lượng từ q lên q’, tại đó SMC = MR’ = P’. Sản lượng của ngành sẽ gia tăng từ Q lên Q’. Ở mức giá xí nghiệp sẽ đạt được lợi nhuận kinh tế. Như vậy trong ngắn hạn sự gia tăng cầu sẽ làm giá và sản lượng gia tăng.

Sản lượng tăng chủ yếu nhờ vận dụng công suất của máy móc thiết bị.

Tác động trong dài hạn:

Trong dài hạn, lợi nhuận kinh tế sẽ khuyến khích các xí nghiệp mới gia nhập ngành, khả năng sản xuất của ngành gia tăng, đường cung ngắn hạn của ngành sẽ dịch chuyển về bên phải. Càng nhiều xí nghiệp mới gia nhập, đường cung càng dịch chuyển về bên phải. Sự gia tăng cung làm cho giá giảm xuống. Khi giá hạ xuống những xí nghiệp cá nhân sẽ giảm sản lượng và qui mô sản xuất. Mặt khác sự gia nhập của các xí nghiệp mới còn làm chuyển dịch toàn bộ những chi phí của xí nghiệp lên trên, vì cầu đối với các yếu tố sản xuất tăng làm cho giá cả chúng tăng lên.

Sự gia nhập của các xí nghiệp mới vẫn tiếp tục cho đến khi có đủ số xí nghiệp sao cho giá giảm xuống và chi phí kinh tế tăng lên đủ cho lợi nhuận kinh tế bằng không. Khi mức giá mới là P1 bằng với chi phí trung bình mới là LAC1 thì sự gia nhập của các xí nghiệp mới chấm dứt, xí nghiệp và ngành tái lập tình trạng cân bằng dài hạn. Sản lượng mới của xí nghiệp là q1, tại đó LMC1 = SMC1 = MR1 = P1, sản lượng của ngành sẽ gia tăng đến Q1.

Đường cung dài hạn của ngành LS là đường nối tất cả những điểm cân bằng dài hạn đối với ngành là tổng cộng theo hoành độ những điểm cực tiểu của tất cả những đường chi phí trung bình dài hạn của xí nghiệp.

Vấn đề đặt ra là sản lượng dài hạn mới của các xí nghiệp bằng, lớn hay nhỏ hơn sản lượng dài hạn cũ, điều này phụ thuộc vào sự gia tăng của các loại yếu tố sản xuất.

Nếu giá của tất cả cá yếu tố sản xuất gia tăng cùng tỷ lệ thì những phối hợp có chi phí thấp nhất trước đây là những phối hợp có chi phí thấp nhất bây giờ. Những đường chi phí dịch chuyển thẳng lên trên và sản lượng dài hạn mới của xí nghiệp bằng sản lượng dài hạn trước đây.

Nếu giá của yếu tố sản xuất cố định ngắn hạn tăng nhiều hơn giá các yếu tố sản xuất biến đổi ngắn hạn thì xí nghiệp sẽ có ý muốn tiết kiệm các yếu tố sản xuất cố định. Cho nên các tỷ lệ giữa các yếu tố sản xuất cố định và yếu tố sản xuất biến đổi trong phối hợp chi phí thấp nhất sẽ bị giảm. Do đó qui mô sản xuất tối ưu sẽ nhỏ hơn qui mô sản xuất tối ưu cũ và sản lượng dài hạn mới sẽ nhỏ hơn sản lượng dài hạn cũ của xí nghiệp.

Khi giá những yếu tố sản xuất cố định ngắn hạn tăng ít hơn so với những yếu tố sản xuất biến đổi ngắn hạn, lúc này xí nghiệp có ý muốn tiết kiệm yếu tố sản xuất biến đổi và dùng nhiều dùng nhiều yếu tố sản xuất cố định trong việc phối hợp chi phí thấp nhất. Do đó qui mô sản xuất tối ưu lớn hơn qyi mô sản xuất tối ưu cũ và sản lượng mới lớn hơn sản lượng cũ.

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô ĐH An Giang (Trang 106 - 108)