Phân tích trong dài hạn
4.3. Cân bằng dài hạn của ngành.
Hình 5.15
Theo hình 5.15 xí nghiệp với qui mô sản xuất SAC đang thực hiện được lợi nhuận thuần. Xí nghiệp trả một tỷ lệ lãi tư bản cho những nhà đầu tư lớn hơn so với trường hợp những nhà đầu tư này dùng tư bản ở những nơi khác. Do đó những xí nghiệp mới sẽ bị lôi kéo vào ngành với hy vọng rằng họ sẽ thực hiện được lợi nhuận như vậy. Sự gia nhập của xí nghiệp mới làm tăng lượng cung sản phẩm Q1, làm giá dịch chuyển xuống dưới P. Trước tình hình như vậy xí nghiệp sẽ hạ sản lượng xuống dưới Q1 và thu nhỏ qui mô sản xuất lại xuống dưới SAC. Để đạt tối đa hoá lợi nhuận, các xí nghiệp sẽ giảm sản lượng xuống đến mức giá mà tại đó đường chi phí biên dài hạn cắt đường doanh thu biên. Lợi nhuận thuần của các xí nghiệp trong ngành có thể đạt cho đến khi có đủ xí nghiệp gia nhập vào ngành này để đẩy giá xuống P1 = chi phí tối thiểu. Ở mức giá P1 các xí nghiệp cá nhân sẽ giảm qui mô sản xuất đến SAC (qui mô sản xuất tối ưu) và điều hành sản xuất với mức sản lượng tối ưu Q1. Đến đây lợi nhuận thuần không còn nữa nên không còn động cơ để các xí nghiệp gia nhập ngành. Và tại đây cũng không có xí nghiệp nào rời bỏ ngành do lỗ lã. Các xí nghiệp trong ngành tạm thoả mãn. Đây là trạng thái cân bằng dài hạn của các xí nghiệp và ngành.
Cân bằng dài hạn có nghĩa là không có động cơ nào để có thêm xí nghiệp gia nhập hay rút lui khỏi ngành, tức là không có lợi nhuận và không có lỗ lã. Có số vừa đủ xí nghiệp trong ngành để chi phí trung bình tối thiểu dài hạn ngang bằng giá cả. Bất cứ sự thay đổi về sản lượng trong dài hạn hay ngắn hạn đều gây lỗ lã. Những điều kiện cân bằng dài hạn cũng là những điều kiện cân bằng ngắn hạn. Tại Q1: SMC = LMC = MR = P1 = SAC = LAC.
Vì lợi nhuận được tính là chi phí cơ hội ròng của đầu tư, nên lợi nhuận dương có nghĩa đầu tư có lãi cao khác thường. Điều đó làm cho các nhà đầu tư chuyển tài nguyên từ ngành khác sang ngành này - có sự gia nhập vào thị trường. Cuối cùng sản lượng tăng do có gia nhập mới làm cho đường cung thị trường dịch chuyển sang phải, do đó sản lượng thị trường tăng và giá sản phẩm giảm như hình 5.16
Hình 5.16
Ở phần (b) của hình, đường cầu đã dịch chuyển từ S1 đến S2, làm cho giá giảm từ P1 đến P2. Ở phần (a), áp dụng cho một xí nghiệp, đường chi phí trung bình dài hạn tiếp xúc với đường giá nằm ngang ở mức sản lượng Q2.
Khi xí nghiệp thu được lợi nhuận kinh tế bằng không, xí nghiệp không có động cơ để rời ngành và các xí nghiệp khác không có động cơ đặc biệt để gia nhập ngành. Cân bằng cạnh tranh dài hạn sẽ xảy ra khi ba điều kiện được thỏa mãn. Thứ nhất, tất cả các xí nghiệp trong ngành đang tối đa hóa lợi nhuận. Thứ hai, không XN nào có động cơ gia nhập hoặc rút khỏi ngành, vì tất cả các xí nghiệp trong ngành thu được lợi nhuận kinh tế bằng không. Thứ ba, giá của sản phẩm ở mức mà tại đó lượng cung của ngành bằng lượng cầu của người tiêu dùng. Để thấy tại sao ba điều kiện cân bằng trong dài hạn phải thoả mãn, chúng ta giả định tất cả các xí nghiệp có chi phí giống nhau và xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu quá nhiều xí nghiệp muốn gia nhập ngành khi có cơ hội lợi nhuận. Khi đó đường cung ở hình 5.16 sẽ dịch chuyển sang phải, và giá sẽ giảm xuống thấp hơn 30, chẳng hạn là 25. Nhưng ở giá này các xí nghiệp sẽ thua lỗ. Do đó, một số xí nghiệp sẽ tiếp tục rút khỏi ngành cho đến khi cung thị trường dịch chuyển trở lại S2. Chỉ khi nào không có động cơ rút khỏi hoặc gia nhập ngành thì thị trường mới cân bằng dài hạn.
Bây giờ giả sử tất cả các xí nghiệp có đường chi phí không giống nhau. Một xí nghiệp có phát minh sáng chế hoặc ý tưởng mới cho phép xí nghiệp sản xuất ở mức chi phí thấp hơn tất cả các xí nghiệp khác. Khi đó xí nghiệp sẽ thu được lợi nhuận kinh tế dương (và hưởng thặng dư sản xuất cao hơn các xí nghiệp khác). Chừng nào mà các nhà đầu tư khác và các xí nghiệp không có được bằng phát minh sáng chế hoặc một ý tưởng hạ thấp chi phí thì không có động cơ gia nhập ngành. Ở đây phân biệt lợi nhuận kế toán và lợi nhuận kinh tế là quan trọng. Nếu ý tưởng hoặc sự đổi mới đem lại lợi nhuận thì các xí nghiệp khác trong ngành sẽ trả tiền để sử dụng nó (hoặc cố gắng mua toàn bộ xí nghệp để có được bằng phát minh sáng chế). Do đó, giá trị của bằng phát minh sáng chế ngày càng tăng là chi phí cơ hội đối với xí nghiệp - xí nghiệp có thể bán quyền của bằng phát minh sáng chế đó chứ không sử dụng.
Trong trường hợp khác, xí nghiệp thu được lợi nhuận kế toán dương có thể có lợi nhuận kinh tế bằng không. Ví dụ một của hàng bán quần áo nằm ở gần trung tâm mua bán lớn, lượng khách hàng bổ sung có thể làm tăng đáng kể lợi nhuận kế toán của của hàng, vì chi phí đất được căn cứ vào chi phí có tính cách lịch sử của nó. Tuy nhiên khi chi phí chi phí cơ hội của đất đai được tính vào, thì sức sinh lợi của cửa hàng quần áo không cao hơn sức sinh lợi của cửa hàng khác cạnh tranh với nó.
Do đó, điều kiện lợi nhuận kinh tế bằng không là cần thiết cho thị trường được cân bằng dài hạn. Lợi nhuận kinh tế dương, biểu thị một cơ hội đối với các nhà đầu tư và là động cơ thúc đẩy gia nhập ngành. Tuy nhiên, lợi nhuận kế toán dương có thể báo hiệu rằng các xí nghiệp đã đang tồn tại trong ngành có những tài sản, kỹ năng, các ý tưởng có giá trị và điều này sẽ không nhất thiết khuyến khích sự gia nhập của các xí nghiệp khác.