Hoạt động liên kết bốn nhà

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 76 - 78)

Chương trình liên kết bốn nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp đã ra đời, nhằm tạo mối liên kết mật thiết nhằm giúp nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm cả chất và lượng, để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây chính là hướng phát triển một nền nông nghiệp bền vững mà Việt Nam đang hướng đến. Hơn thế, chương trình liên kết bốn nhà còn thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế, cam kết tiêu thụ hàng hoá nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, những hợp đồng thuộc dạng khuyến khích, thực sự chỉ là những hợp đồng hình thức. Vì khi ký xong hợp đồng, cả bên A lẫn bên B đều hiểu rằng những hợp đồng dạng như thế thì không thể thực hiện được.

Theo Pháp lệnh của hợp đồng kinh tế, một trong những yếu tố quan trọng để làm nên hợp đồng kinh tế, là phải có ghi giá mua hoặc bán. Nhưng hầu hết các hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với nông dân đều chỉ ghi “giá thoả thuận theo thời điểm”. Như vậy, điều này đã phủ nhận tính pháp lý của hợp đồng. Cả hai bên, doanh nghiệp và nông dân đều biết sẽ không thực hiện được hợp đồng mà vì chủ trương, chính sách của nhà nước nên mọi người đã cố gắng, nhưng thật sự là không tổ chức thực hiện được. Có một thực tế là, từ trước đến nay dù không ký hợp đồng nhưng nông dân sản xuất lúa vẫn bán được.

Việc thực hiện quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ không đạt kết quả tốt vì mối liên kết bốn nhà vẫn còn quá lỏng lẻo. Muốn đạt kết quả thì trước nhất bốn nhà phải có mối liên kết với nhau thật sự, trên một mô hình sản xuất nhất định chứ không phải liên kết trên bàn giấy, cụ thể như sau:

- Một là, xây dựng mô hình sản xuất. Mô hình sản xuất phổ biến hiện nay là hợp tác xã và trang trại. Có hai mô hình này thì doanh nghiệp mới có thể ký các hợp đồng với chủ nhiệm hợp tác xã hoặc chủ trang trại. Vì không có doanh nghiệp nào đi ký hợp đồng kinh tế với tất cả các hộ nông dân trên một địa bàn rộng như huyện hoặc vùng chuyên canh.

- Hai là, phải xác định sản phẩm trước khi ký hợp đồng, chứ không phải bất kỳ sản phẩm nào cũng ký. Đó là các sản phẩm đặc thù như lúa đặc sản...

Đối với những giống lúa cao sản, giống lúa có phẩm chất cao, doanh nghiệp có nhu cầu phải đặt vấn đề với chính quyền địa phương, hợp tác xã hoặc chủ trang trại, để tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ. Để làm được điều này thì bốn nhà phải thông suốt và có

trách nhiệm cộng đồng với nhau mới thực hiện được hợp đồng đã ký. Trong khi nông dân chưa thể tự trang bị thông tin thị trường, nên trồng giống lúa nào để phù hợp với nhu cầu thị trường thì vai trò của doanh nghiệp trong giai đoạn này rất quan trọng. Chính các doanh nghiệp sẽ giúp cho nông dân biết họ nên sản xuất giống cây, con gì, sản lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao để bán ra theo yêu cầu của thị trường. Nếu không sớm củng cố mối liên kết này, cứ để nông dân tự xoay sở thì hàng nông sản của Việt Nam nói chung và gạo nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần củng cố và phát huy tính tích cực của mối liên kết bốn nhà.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 76 - 78)