Nghiên cứu và xây dựng chiến lược thị trường

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 69 - 70)

Vấn đề nghiên cứu và xây dựng chiến lược thị trường có ý nghĩa quan trọng để phát triển thị trường xuất khẩu gạo trong bối cảnh tự do hoá thương mại khu vực và toàn cầu. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, việc nghiên cứu thị trường đúng đắn sẽ góp phần định hướng đúng cho hoạt động xuất khẩu. Chất lượng gạo xuất khẩu thành phố Cần Thơ hiện nay, đa số ở chất lượng trung bình và chưa đồng nhất. Vì thế cần phải nghiên cứu nhu cầu của từng thị trường, dự đoán, nắm bắt xu thế trong tương lai để có thể khai thác triệt để nhu cầu thị trường gạo thế giới. Đơn cử như: thị hiếu tiêu dùng gạo ở thị trường Indonesia thường thích gạo không hấp, loại hạt ôvan, được đánh bóng, màu sắc trong, mới xay xát có mùi thơm, dẻo, tỷ lệ tấm không quá 20%; Trung Quốc chuộng gạo hạt dài, trắng, được xay xát kỹ, tỷ lệ tấm thông thường từ 5% đến 20%. Đối với thị trường Philippine lại ưa chuộng gạo hạt dài hoặc trung bình nhưng phải đánh bóng kỹ, màu sắc trắng trong và có mùi thơm, không yêu cầu dẻo. Một số nước Châu Phi như Cốtđivoa, Ghinê, Suđăng lại thích gạo hạt dài hoặc trung bình, hấp khô, tỷ lệ tấm vừa phải từ 10% đến 20%.

Nếu phân loại thị trường gạo thế giới theo đặc điểm sản phẩm gạo sẽ bao gồm: thị trường gạo hạt dài, chất lượng cao tiêu thụ chủ yếu các nước phát triển ở khu vực Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông,… Đây là thị trường khó tính, đặc biệt chú trọng quy cách, phẩm chất và tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp. Thị trường gạo hạt dài, chất lượng trung bình tốt thị trường tiêu thụ chính là những nước Châu á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh…

Có thể thấy thị hiếu tiêu dùng gạo ở các nước, các khu vực rất khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau về trình độ phát triển kinh tế- xã hội, tập quán tiêu dùng, mức thu nhập,…Chính vì thế mà người sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo ở Cần Thơ phải nghiên cứu nhu cầu thị hiếu của từng thị trường. Đó là điều kiện để đảm bảo thành công trong quá trình cạnh tranh, thâm nhập thị trường tiêu thụ.

Việc nghiên cứu và hoạch định một chiến lược tổng thể về thị trường có tầm quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, để xây dựng những chiến lược này, thành phố Cần Thơ cần phải nắm rõ được năng lực và hiện trang sản xuất lúa trên địa bàn và các lợi thế của từng địa phương trong sản xuất lúa gạo xuất khẩu, để từ đó có căn cứ trả lời cho các câu hỏi: loại gạo nào đi vào thị trường nào? với số lượng bao nhiêu? cần giải quyết vấn đề gì để

khai thông thị trường?... Để làm được điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố để cung cấp thông tin cập nhật về thị trường để có thể nắm chắc nhu cầu thường xuyên biến động về giá cả, số lượng gạo xuất khẩu. Vì vậy, cần phải tổ chức tốt hệ thông thông tin thị trường như: thành lập trang tin điện tử cho Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại thuộc Sở Công thương. Xây dựng các trung tâm thông tin thị trường tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm, tại các đài truyền thanh quận huyện, để cung cấp cho nông dân những thông tin cụ thể, chính xác, thiết thực về hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo trong nước và thế giới. Phối hợp với các tổ chức khuyến nông, các câu lạc, hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp để vừa cung cấp thông tin, vừa hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất gạo xuất khẩu.

Cùng với việc cung cấp thông tin, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Cần Thơ cần chủ động, tích cực trong khâu nghiên cứu thị trường để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Có như vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của Cần Thơ mới có đầu ra ổn định trong chiến lược phát triển ngành hàng gạo xuất khẩu.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 69 - 70)