Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mạ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 70 - 73)

Hoạt động xúc tiến thương mại có vai trò to lớn góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế; giúp các doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cụ thể về thị trường và khách hàng, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại các doanh nghiệp nắm được luật pháp, chính sách thương mại quốc tế của các nước nhập khẩu, tăng cường quan hệ bạn hàng với các đối tác nước ngoài, biết thêm thông tin về đối thủ cạnh tranh trên thị trường từ đó có thể lựa chọn phương pháp, cách thức tiếp cận và chinh phục khách hàng.

Tăng cường vai trò của Sở Công thương và UBND thành phố về tổ chức thu thập hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu, dự báo triển vọng thị trường và định hướng thị trường xuất khẩu mục tiêu cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của thành phố. Đồng thời, Sở Công thương liên hệ và tổ chức các đoàn doanh nhân của thành phố đi tìm kiếm, thiết lập quan hệ đối tác, quan hệ bạn hàng để tiếp cận thị trường xuất khẩu mới; hỗ trợ về thông tin, kết nối đối tác và xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của thành phố.

Sở Công thương chú trọng công tác tổ chức hiệp thương giữa các doanh nghiệp, các nông trường, các chủ trang trại có nguồn hàng xuất khẩu cùng chủng loại hàng, cùng mặt hàng để gom đủ lượng hàng cần thiết cho lô hàng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp trong công tác đóng gói, nhãn mác, bao bì sản phẩm xuất khẩu thích ứng với nhu cầu đa dạng của các thị trường "ngách" trên thế giới.

Trong những năm tới, chúng ta cần huy động các nguồn lực của Thành phố để xây dựng hệ thống phân phối trực tiếp gạo Cần Thơ tại các thị trường trọng điểm như Indonesia, Malaysia, Philippine, Nam Phi, Senegan, Nga. Riêng đối với các loại gạo chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về gạo "sạch", gạo hữu cơ thì hướng vào khai thác các thị trường "ngách" tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ.

Xây dựng và sớm đưa vào hoạt động sàn giao dịch gạo Cần Thơ (đặt tại chợ gạo huyện Thốt Nốt) để thu hút các nhà nhập khẩu gạo của nước ngoài đến Cần Thơ thực hiện các giao dịch ngoại thương trực tiếp (hạn chế tối đa xuất khẩu gạo qua các đầu mối giao dịch trung gian và các thị trường trung gian), tăng cường giao dịch xuất khẩu gạo của thành phố trên các thị trường kỳ hạn.

Trong giai đoạn 2008 - 2010, xúc tiến mở gian hàng gạo Cần Thơ tại Nam Phi, Philippine và Indonesia và chuẩn bị các điều kiện xây dựng kho ngoại quan cho mặt hàng gạo của Cần Thơ tại các thị trường này ở giai đoạn tiếp sau (2011 - 2015). Sớm xây dựng hoàn chỉnh chợ gạo đầu mối cấp vùng tại Thốt Nốt, chợ và các trung tâm đại lý môi giới tiêu thụ gạo để vừa làm công cụ điều tiết thị trường gạo trên địa bàn thành phố, tạo bàn đạp phát triển thị trường xuất khẩu gạo vừa giảm đầu mối giao dịch xuất khẩu gạo, khắc phục tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, hạ giá bán gạo giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, từ đó giảm mạnh cơ hội lựa chọn đối tác để ép giá của các nhà buôn nước ngoài đối với rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo quy mô nhỏ trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian tới Cần Thơ cần củng cố lại tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng gắn kết Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm, chủ động hoặc phối hợp với Hiệp hội xuất khẩu lương thực, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm của thị trường gạo thế giới gồm: nhu cầu gạo, luật pháp, chính sách kinh tế thương mại, các thủ tục hải quan, tập quán thị trường, các cơ hội thâm nhập

thị trường (hội chợ triển lãm, cơ hội giới thiệu sản phẩm, cơ hội tham gia các hoạt động đấu thầu…). Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, học hỏi những địa phương có kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến thương mại về xuất khẩu gạo như: An Giang, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang…

Bên cạnh đó, UBND thành phố nên nghiên cứu hỗ trợ kinh phí và phương tiện kỹ thuật cho Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại trực thuộc Sở Công thương, đào tạo cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để có đủ khả năng: phân tích kinh tế về các xu hướng của thị trường, dự báo thị trường, tổng hợp các thông tin về luật pháp quốc tế, các quy chế thương mại của các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế tác động tới xuất khẩu gạo, những quy định về an toàn thực phẩm… để hoạt động này ngày càng có hiệu quả hơn.

Trong hoạt động thương mại hiện đại, quảng cáo và xây dựng thương hiệu là việc làm cần thiết và không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp khi thâm nhập và mở rộng thị trường. Không có thương hiệu, người tiêu dùng không biết đến sự tồn tại của doanh nghiệp, của sản phẩm, uy tín và chất lượng của sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, trong thời gian tới hoạt động xúc tiến thương mại cần hướng tới xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và gạo đặc sản của Cần Thơ trên thị trường thế giới. Đây kế hoạch dài hạn, tuy nhiên trong thời gian đầu có thể tập trung thí điểm một vài doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt, Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ để đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh chuyên biệt cho thành phố Cần Thơ.

Cùng với hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo xuất khẩu cũng phải chủ động có kế hoạch xúc tiến thương mại như xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác hợp đồng. Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tranh chấp thương mại, các vụ kiện bán phá giá có thể xảy ra của các nước nhập khẩu gạo thông qua việc nắm vững những thông lệ quốc tế và các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), luật pháp của các nước mà có quan hệ thương mại.

Chính quyền thành phố cần có chính sách khen thưởng cụ thể đối với các doanh nghiệp và cá nhân tìm được thị trường xuất khẩu mới, có sức mua lớn. Thành lập, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 70 - 73)