- Về chất lượng gạo xuất khẩu:
Chất lượng gạo trên thị trường gạo thế giới thương được phân loại theo 5 nhóm (về hình thức bên ngoài hạt gạo, chất lượng xay xát, chất lượng thương phẩm, chất lượng
nấu nước và ăn uống, chất lượng dinh dưỡng) dựa theo 6 chỉ tiêu như độ ẩm, độ bóng, tỷ lệ Amilaza, tỷ lệ Protein, nhiệt hoá, mùi thơm. Trong khi đó, chất lượng gạo của chúng ta chủ yếu mới chỉ được quan tâm đến 3 chỉ tiêu đầu.
Chất lượng gạo Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện nhiều. Năm 1990, gạo xuất khẩu của Việt Nam đa phần là loại gạo chất lượng thấp (35% đến 45% tấm). Hiện nay, tỷ lệ gạo xuất khẩu từ 5% đến 10% tấm đã ở mức trên 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên tỷ lệ gạo chất lượng cao, gạo thơm cho thị trường xuất khẩu cao cấp vẫn còn ít.
Chất lượng gạo xuất khẩu Cần Thơ hiện nay cũng chưa có sự chuyển biến mạnh. Chất lượng gạo Cần Thơ chưa theo kịp theo yêu cầu thị trường. Cho dù đã có những tiến bộ trong phẩm cấp gạo xuất khẩu, nhưng trong sản lượng gạo xuất khẩu từ hai năm trở lại đây, vẫn có hơn 70% là gạo xuất khẩu có phẩm cấp thấp (gạo từ 25% tấm trở lên), gạo 5% tấm và 10% tấm chiếm 7% đến 10%; còn lại gạo thơm và gạo nếp chỉ chiếm khoảng 2% đến 5% trong cơ cấu gạo xuất khẩu của thành phố [21, tr.95].
- Về thương hiệu gạo xuất khẩu:
Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn, nhưng chưa có thương hiệu gạo nổi tiếng hoặc đặc trưng cho gạo Việt Nam. Trong khi đó, trên thế giới có nhiều loại gạo có tên tuổi gắn với tên quốc gia xuất khẩu gạo. Chẳng hạn, gạo “Hương nhài - Jasmine”, gạo Basmati được gắn liền với các quốc gia sản xuất là Thái Lan, ấn Độ và Pakistan.
Trên thực tế, không phải Việt Nam không có gạo ngon, gạo có chất lượng mà chủ yếu chúng ta chưa thực sự quan tâm xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu cho chính mình. Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng đã tìm cách quảng bá thương hiệu gạo cho doanh nghiệp mình. Chẳng hạn, cùng với các loại gạo Kim Kê, Nam Đô, Gạo Hương Đồng Quê, gạo Nàng thơm Chợ Đào, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ đã tích cực quảng bá thương hiệu gạo của mình như: Miss Can Tho, White Stork (thương hiệu gạo xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt - Gentraco), Sohafarm (thương hiệu gạo của Nông trường Sông Hậu).
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý ở đây là, để có được một thương hiệu gạo xuất khẩu trên thị trường gạo thế giới thì các biện pháp thực hiện phải đồng bộ và trong thời gian dài. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung mới chỉ tập trung vào khâu quảng bá sản phẩm, còn lại chưa thực sự chú trọng
đúng mức vào việc bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu ổn định. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp ngày càng quảng bá sản phẩm của mình thì lại càng gây bất lợi cho họ. Theo đó, uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng và sản phẩm gạo xuất khẩu cả Việt Nam và Cần Thơ sẽ khó có được thương hiệu tốt.