Nguyên nhân hạn chế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 50 - 53)

Nguyên nhân khách quan:

Thị trường gạo thế giới thường có nhiều biến động và vô cùng phức tạp. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Cần Thơ mới tham gia thị trường gạo thế giới, kinh nghiệm đàm phán, ký kết hợp đồng...còn hạn chế. Các doanh nghiệp hiểu biết chưa nhiều về luật pháp quốc tế, văn hóa, phong tục tập quán của các nước.

Chúng ta tham gia vào thị trường thế giới chậm hơn so với các đối tác nước ngoài. Họ đã có thị trường ổn định, có các bạn hàng truyền thống. Họ biết rất rõ về thói quen, sở thích sản phẩm của người tiêu dùng thế giới. Đây cũng được coi là khó khăn lớn đối với hoạt động xuất khẩu gạo Cần Thơ trên thị trường thế giới.

Các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu Cần Thơ phải cạnh tranh rất quyết liệt với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, Mỹ, những nước có lợi thế trong hoạt động xuất khẩu gạo. Chính phủ và các nhà doanh nghiệp của các nước này luôn quan tâm đề xuất các giải pháp hỗ trợ thâm nhập giành thị phần. Đây cũng được xem là khó khăn khách quan tác động đến khả năng thâm nhập thị trường thế giới của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Cần Thơ cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nói chung.

Nguyên nhân chủ quan:

Dù đang là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng vẫn chưa có quy hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể về sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Những quy hoạch hiện có vẫn mang tính cục bộ của từng địa phương. Xét ở cấp độ quốc gia, những quy hoạch đó chỉ mang tính chấp vá.

Thị trường xuất khẩu nông sản và nhập khẩu vật tư nông nghiệp còn nhiều biến động theo hướng bất lợi cho nông dân và khu vực sản xuất nông nghiệp. Chính sách đầu tư cho nông nghiệp vừa qua chưa thỏa đáng, làm hạn chế việc phổ biến phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là những thách thức lớn với phát triển nông nghiệp, nông thôn của Cần Thơ nói riêng và nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung.

Việc điều hành xuất khẩu gạo như hiện nay cũng đang bộc lộ những nhược điểm. Nhiều năm qua, với việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo đã làm cho đầu mối xuất khẩu là một điểm nóng. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để được trực tiếp xuất khẩu gạo dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán trong nước, thương nhân nước ngoài lợi dụng để ép giá gây tổn hại lợi ích quốc gia trong xuất khẩu gạo. Hạn ngạch xuất khẩu giao từ đầu năm trong khi chưa biết kết quả sản xuất lúa trong năm như thế nào. Do đó, các doanh nghiệp liên tục phải điều chỉnh kế hoạch, kể cả hủy hợp đồng với khách hàng. Bước sang năm 2001, căn cứ vào những diễn biến mới của cả trong và ngoài nước, Chính phủ đã cho phép các thành phần kinh tế khác nhau được tham gia xuất khẩu gạo, bãi bỏ cơ chế hạn ngạch và đầu mối trong xuất khẩu gạo nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn theo xu hướng thương mại hoá hiện nay. Tuy đã bỏ quota nhưng tổ chức thu mua xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều bất cập. Theo các đánh giá, thì hiện tại khoảng 90% lượng lúa hàng hoá ở Cần Thơ được mua chủ yếu qua các kênh tư nhân để sau đó bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu. Vì vậy, lúa hàng hoá từ sau khi thu hoạch và xay xát đã liên tục được chuyển quyền sở hữu, đảo kho, vận chuyển và sơ chế nhiều lần. Hiện tượng nhiều doanh nghiệp cùng chào bán cho một khách hàng thường xảy ra. Đây là nguyên nhân gây ép giá và hiệu quả xuất khẩu lúa gạo thấp.

Sản phẩm gạo Cần Thơ xuất khẩu đa số chỉ xuất khẩu dưới dạng thô, ít qua chế biến, hiệu quả thấp, giá cả bấp bênh, trị giá xuất khẩu không ổn định. Phần lớn hoạt động xuất khẩu gạo được thực hiện qua khâu trung gian điều này cũng đồng nghĩa với chi phí đầu vào của gạo xuất khẩu tăng lên. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 70% lượng gạo thành phẩm là do tư thương mua để chế biến và cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các quan hệ giao dịch với nước ngoài đều do khách hàng tìm đến trước và trong nhiều trường hợp, ta phải chấp nhận xuất khẩu gạo qua trung gian. Chẳng

hạn, để xuất khẩu gạo sang Châu Phi và Nam Mỹ, chúng ta phải thông qua các công ty ở Châu Âu. Điều đó làm giảm lợi ích xuất khẩu của các doanh nghiệp và của lợi ích quốc gia.

Trên thương trường quốc tế, các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin thị trường thiếu và chậm, hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp Cần Thơ vẫn không khỏi lúng túng mỗi khi thị trường thế giới có những biến động. Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Cần Thơ có quy mô nhỏ và vừa, tính hợp tác lỏng lẻo cho nên khả năng đáp ứng xuất khẩu với khối lượng lớn, chất lượng đồng nhất gặp nhiều khó khăn.

Cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà với cả thị trường nội địa. Việc triển khai thực hiện Quyết định 80/TTg chưa đồng bộ trong việc phối hợp liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nông dân). Hỗ trợ của Trung ương về Chương trình phát triển Nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế. Thành phố Cần Thơ còn lúng túng trong tổ chức thực hiện chương trình được xác định là động lực phát triển nông nghiệp trong tương lai.

Việc phân bố lợi nhuận xuất khẩu gạo giữa người nông dân trồng lúa với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo chưa hợp lý, trong đó, thiệt thòi vẫn thuộc về nông dân và Nhà nước. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không chủ động được nguồn hàng, ký hợp đồng khi kho rỗng, không đảm bảo chân hàng. Còn lượng hàng hoá lại nằm trong tay lái vựa, chủ xay xát. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, làm ăn theo kiểu này họ sẽ được lợi là giá gạo theo hợp đồng Chính phủ ổn định, mà thời gian giao hàng lại chậm. Nếu đến lúc giao hàng mà giá lúa gạo trong nước thấp hơn giá thế giới thì doanh nghiệp thắng đậm, còn nếu ngược lại thì doanh nghiệp lại xin bù lỗ. Như vậy, xét trên tổng thể, dù diễn biến của hoạt động xuất khẩu gạo như thế nào thì các doanh nghiệp và đặc biệt là các thành phần trung gian vẫn được hưởng lợi. Chỉ có nông dân và Nhà nước là người phải chịu rủi ro, thiệt thòi. Vì cần bán lúa để trang trải nhiều khoản chi phí nên thực tế nông dân thường xuyên phải bán lúa với giá thấp, thiệt thòi rất lớn. Đây là nỗi bức xúc lớn nhất đối với nông dân. Họ chưa kịp vui mỗi khi được mùa đã phải lo lắng về giá bán lúa thiệt hại, rủi ro.

Chương 3

định hướng và giải pháp thúc đẩy

hoạt động xuất khẩu lúa gạo của thành phố cần thơ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 50 - 53)