Có thể nói Châu á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, trong đó gạo được xuất khẩu chủ yếu sang các nước ASEAN (Philipine, Indonesia, Malaysia..). Đáng chú ý là trong những năm gần đây, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường yêu cầu chất lượng rất cao nhưng đồng thời nhập khẩu với giá cũng cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu âu. Tuy nhiên, đây là những thị trường mà khối lượng gạo xuất khẩu của ta vẫn còn ít và không có dấu hiệu tăng trưởng trong những năm gần đây.
Năm 2006, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước đã ký được nhiều hợp đồng gạo, do các nước Châu á có nhu cầu nhập khẩu gạo cao và tiếp tục tăng trong năm. Việt Nam liên tiếp trúng nhiều gói thầu cung cấp gạo cho Nhật, Philippine, I-rắc... nên thị trường xuất khẩu gạo cả năm ổn định.
Đối với thành phố Cần Thơ, thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2007 của các doanh nghiệp được mở rộng và phát triển. Mặt hàng gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ đã được xuất khẩu đến 47 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại thành phố Cần Thơ, thị trường xuất khẩu gạo chính của Cần Thơ gồm thị trường Châu á chiếm tỷ trọng 68,9% (Philippine, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản…), thị trường Châu Âu chiếm 10,63% (Pháp, Đức, Nga, Anh,..), thị trường Châu Phi chiếm 16,55% (Ghana, Ai Cập, Angola), thị trường khác chiếm 3,92% [21, tr.65].
Biểu đồ 2.2: Các thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp
Nguồn: Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại thành phố Cần Thơ