- Về khối lượng gạo xuất khẩu:
Từ năm 2000 cho đến nay, nếu xét về khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, ta thấy có xu hướng tăng ở mức tương đối ổn định và gạo đã trở thành một trong mười mặt hàng xuất khẩu mang lại lượng ngoại tệ lớn nhất cho đất nước. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam từ năm 2000 đến nay có thể chia làm giai đoạn:
Giai đoạn từ 2000-2003, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn đạt trên 3 triệu tấn gạo.
Giai đoạn từ 2004-2007, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo. Riêng năm 2005, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt và đạt trên 5,2 triệu tấn gạo. Điều đó tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Đối với thành phố Cần Thơ, khối lượng gạo xuất khẩu cũng tăng ổn định từ năm 2004 đến năm 2006. Năm 2007, lượng gạo xuất khẩu của Cần Thơ giảm do phải hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Năm 2004, khối lượng xuất khẩu gạo của Cần Thơ là 406.072 tấn, sau đó tăng lên 554.050 tấn vào năm 2005; 556.822 tấn vào
năm 2006. Năm 2007, lượng gạo xuất khẩu của Cần Thơ đạt 475.000 tấn, về lượng đạt 79% kế hoạch năm và giảm 15% so cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 26,27% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố.
Bảng 2.1: Khối lượng gạo xuất khẩu của thành phố Cần Thơ
trong khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước (2004-2007)
Đơn vị tính: tấn
Năm Cả nước Cần Thơ Tỷ trọng (%)
2004 4.060.000 406.072 10,00 2005 5.250.000 554.050 10,55 2005 5.250.000 554.050 10,55 2006 4.500.000 558.822 12,42 2007 4.300.000 475.000 11,05
Nguồn: Niên giám thống kê thành phố Cần Thơ và báo cáo thường niên ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2007 và triển vọng 2008
- Về kim ngạch và giá gạo xuất khẩu
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới chiếm tới 17%-18% thị phần, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ chiếm 5%. Điều này cho thấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam là một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu thu được. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng chủ yếu do tăng lượng nhiều hơn do tác động của giá cả.
Trong giai đoạn 2001 – 2005, mặc dù trên thị trường gạo thế giới diễn ra quá trình cạnh tranh quyết liệt giữa các nước xuất khẩu gạo, nhưng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng liên tục. Đây là điểm rất đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn này. Tuy nhiên, khác với giai đoạn 2001 – 2005, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2007 đã đạt mức xuất khẩu với khối lượng ổn định hơn nhưng giá xuất khẩu lại tăng rất mạnh.
Giá gạo xuất khẩu bình quân đã tăng liên tục sau khi tuột dốc vào năm 2003. Năm 2005, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 269 USD/tấn, tăng 100 USD/tấn so với năm 2001. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2006 đạt 275 USD/tấn, tăng 9 USD/tấn so với năm 2005 và nếu so với 2004 thì cao hơn đến 40 USD/tấn. Trong 9 tháng đầu năm
2007, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt bình quân 293 USD/tấn. Lần đầu tiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng với giá gạo xuất khẩu cùng cấp (từ 5% tấm, 10%, 15% đến 20% tấm) của Thái Lan. Tháng 9/2007, gạo loại 25% tấm của Việt Nam đã trúng thầu với giá 350 USD/tấn, cao hơn so với giá gạo Thái Lan 8 USD/tấn [25, tr.45].
Cùng với những biến động giá gạo của thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu gạo của thành phố Cần Thơ đã mang lại khối lượng kim ngạch đáng kể và có mức tăng ổn định qua từng năm. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu gạo của Cần Thơ đạt hơn 85 triệu USD, năm 2005 đạt gần 136 triệu USD, năm 2006 đạt hơn 144 triệu USD và năm 2007 là 145 triệu USD.
ở đây có thể thấy rằng, mặc dù giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ nói riêng, trong năm 2007, tăng rất cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp của Cần Thơ năm 2007 chỉ cao hơn năm 2006 là 1.433.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức tăng kim ngạch xuất khẩu gạo của năm 2005 so với năm 2004 (tăng 50.805.462 USD) và của năm 2006 so với năm 2005 (tăng 8.569.000 USD). Sở dĩ có tình hình trên là do, năm 2007 cả nước gặp nhiều thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, cùng với thời tiết lạnh kéo dài ở Miền Bắc, v.v... đã tác động tới sản xuất lương thực, thực phẩm của Việt Nam, đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, trong đó có Cần Thơ, hạn chế xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Do đó, khối lượng gạo xuất khẩu ở Cần Thơ đã giảm đáng kể trong năm 2007, làm cho kim ngạch xuất khẩu gạo tăng không nhiều.
Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích ở đây sẽ thấy nổi lên một số vấn đề đáng chú ý. Năm 2007, cầu gạo thế giới tăng cao, cung gạo thế giới giảm tương đối đã đẩy giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh và luôn đứng ở mức cao so với giá năm 2006. Giá gạo thế giới năm 2007 tăng bình quân 46 USD/tấn so với năm 2006. Đây lẽ ra sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thu nhiều ngoại tệ nhờ giá cao và lượng xuất khẩu tăng. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy, năm 2006, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam nói chung và ở Cần Thơ nói riêng không được mùa, đã làm nguồn cung gạo nội địa cho hoạt động xuất khẩu bị hạn chế. Mặt khác, giá đầu vào cho sản xuất lúa (phân bón, thuốc trừ sâu, giống, v.v...) tăng cao trong năm 2006 cùng với dịch bệnh trên lúa không những làm giảm sản lượng lúa, giảm chất lượng lúa, mà còn làm tăng chi phí đầu vào. Tất cả những tác động đó làm cho giá gạo thu mua để cung cấp cho hoạt động xuất khẩu
tăng cao. Giá gạo thu mua cho xuất khẩu năm 2007 tăng bình quân 1.000 đồng/kg. Giá gạo thu mua cho xuất khẩu tăng, trong khi giá xuất khẩu cũng tăng nhưng nguồn cung gạo trong nước cho xuất khẩu bị hạn chế và khối lượng gạo xuất khẩu cho thị trường nước ngoài cũng bị khống chế. Điều đó khiến cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp ở Cần Thơ gặp khó khăn và lợi ích mà các doanh nghiệp thu được từ xuất khẩu gạo với giá cao là không nhiều.
Mặt khác, đối với người nông dân, chi phí đầu vào tăng, giá gạo mà các doanh nghiệp thu mua cho hoạt động xuất khẩu tăng nhưng các doanh nghiệp lại không có nhu cầu lớn trong việc thu mua lúa gạo. Do đó, người nông dân cũng không được hưởng lợi mấy từ việc sản xuất gạo cho xuất khẩu.
Mặc dù vậy, xét trong cả giai đoạn 2004 – 2007, xuất khẩu gạo ở thành phố Cần Thơ vẫn là ngành hàng xuất khẩu quan trọng, mang lại lượng kim ngạch lớn cho Cần Thơ và cho cả nước.
Biểu đồ 2.1: Kim ngạch xuất khẩu gạo của Cần Thơ (2004-2007)
85.058.538 135.864.000 135.864.000 144.433.060 145.000.000 0 20.000.000 40.000.000 60.000.000 80.000.000 100.000.000 120.000.000 140.000.000 160.000.000 (USD) 2004 2005 2006 2007
Nguồn: Niên giám thống kê 2005-2006 và báo cáo tổng kết năm 2007 của ngành thương mại thành phố Cần Thơ.