Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và cung ứng các giống lúa có chất lượng gạo cao

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 61 - 64)

lượng gạo cao

Đối với nguồn cung gạo, thì giống lúa là yếu tố đầu tiên góp phần cải thiện chất lượng hạt gạo và gia tăng năng suất lúa. Hiện nay, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, các viện nghiên cứu, trường Đại học Cần Thơ và các cơ sở sản xuất giống lúa của thành phố Cần Thơ, mỗi năm chỉ đáp ứng lúa giống cho khoảng 45% tổng diện tích lúa canh

tác. Do vậy, công tác lai tạo, chọn lọc ra những giống lúa mới, giống lúa xác nhận có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường là giải pháp tốt nhất để bảo đảm chất lượng nguồn cung gạo xuất khẩu. Để đảm bảo giống có hiệu quả cần phải ưu tiên hàng đầu cho việc tuyển chọn các loại giống đạt chất lượng tốt nhất, sản xuất giống gốc, siêu nguyên chủng, khắc phục tình trạng giống lai tạp, xuống cấp.

Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật để nghiên cứu, kiểm định chất lượng giống lúa; trung tâm khuyến nông thành phố và quận, huyện cần xây dựng nhiều điểm trình diễn giống mới ngay trên đồng ruộng của nông dân để họ nhận biết và so sánh trực quan nhằm có ý thức trong việc áp dụng giống mới thay thế giống giống cũ, nhất là giống lúa xác nhận đã được thống nhất triển khai rộng rãi; tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhân giống, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để tuyên truyền, vận động nông dân hiểu rõ yêu cầu, quy trình sản xuất gạo xuất khẩu. Để đạt hiệu quả, cần hình thành mạng lưới cung ứng giống lúa chất lượng từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, phải có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo giống lúa được đưa tới tay người sản xuất là có chất lượng tốt, kích cỡ đồng đều, năng suất cao, không nhiễm bệnh, kháng bệnh tốt, với giá cả hợp lý phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, ngăn chặn kịp thời việc đưa ra thị trường các loại giống lúa kém chất chất lượng, gây thua thiệt cho nhà sản xuất.

Vấn đề nhân giống lúa cần chuyên môn hoá cao độ, công việc này để khắc phục tình trạng thả nổi khâu cung cấp lúa giống. Hiện nay, đa số nông dân tự trích một phần sản lượng thu hoạch vụ trước làm giống gieo cấy vụ sau, chậm thay đổi giống lúa, nhiều nguy cơ sử dụng giống đã bị thoái hoá. Đối với vùng lúa chuyên canh xuất khẩu, chúng ta nên chọn chân ruộng thích hợp để lập nông trại hoặc hợp tác xã sản xuất lúa giống. Trên cơ sở đó vừa đảm bảo cung cấp ổn định cho nông dân lúa giống có chất lượng cao, độ thuần chủng cao, vừa kết hợp hướng dẫn thay đổi giống lúa kịp thời, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại hệ thống sản xuất và cung ứng hạt giống lúa cho phù hợp với đặc điểm thị trường hiện nay, trong đó cần coi trọng vai trò của các hộ tư nhân (các hộ nhân giống và các cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp). Họ sẽ là người tự đầu tư sản xuất, tiếp cận trực tiếp với nông hộ, hiểu rõ được các yêu cầu về chủng loại giống,

thời điểm cần giống của nông dân. Do đó, thành phố một mặt cần có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia vào hệ thống sản xuất, chế biến, khuyến thị và cung ứng hạt giống lúa, mặt khác có sự phân công rành mạch vai trò của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân này trong từng khâu của hệ thống nhằm đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng tốt cho nông dân, cụ thể như sau:

- Đối với cấp huyện và cấp xã: Đơn vị quản lý nông nghiệp và trạm khuyến nông xúc tiến hình thành mạng lưới các hộ hoặc tổ nhân giống vừa để trình diễn các giống mới, vừa sản xuất đủ giống để cung ứng cho nông dân. Chính quyền thành phố cần có các biện pháp hỗ trợ thiết thực về kỹ thuật, tài chính, khuyến nông để giúp các hộ và tổ sản xuất giống xác lập và mở rộng thị trường, sản xuất được hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng với giá thành không quá cao, giá bán vừa phải và lợi nhuận thu được của người sản xuất giống thoả đáng.

- Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông thành phố, Nông trường sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ có nhiệm vụ cung cấp hạt giống gốc đạt chất lượng cho các hộ và tổ nhân giống. Hạt giống gốc có giá thành sản xuất cao nên cần được trợ giá để bán cho các hộ và tổ nhân giống với giá không quá cao.

- Đối với các đơn vị nghiên cứu như Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, trường Đại học Cần Thơ và công ty giống cây trồng chịu trách nhiệm sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng để cung cấp theo kế hoạch và đơn đặt hàng của các vùng chuyên canh lúa. Hạt giống lúa nguyên chủng cũng cần được trợ giá để giảm nhẹ chi phí cho các khâu nhân giống kế tiếp về sau.

- Đối với hộ nông dân khuyến khích đổi và sử dụng giống mới. Hiện có khoảng 90% lượng hạt giống do dân tự để lại, có chất lượng thấp, nhiều hộ sử dụng cùng một loại giống cho trên 5-6 vụ. Đây là nguyên nhân chính làm giảm năng suất và chất lượng lúa, đồng thời giống bị thoái hoá nhanh.

Hiện nay, chính sách Nhà nước hỗ trợ chương trình nhân giống quốc gia chỉ dừng lại ở cấp Viện nghiên cứu và cấp tỉnh thành. Để đạt hiệu quả, trong thời gian tới Nhà nước cần bổ sung chính sách cho vay ưu đãi hoặc hỗ trợ chênh lệch giá trong Chương trình giống quốc gia đến tận các hợp tác xã, hộ nông dân tình nguyện sản xuất giống xác nhận đạt tiêu chuẩn. Xu hướng tiêu dùng gạo hiện nay trên thế giới là “gạo sạch”, không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học. Chính vì vậy trong quá trình chăm sóc và bảo vệ

lúa cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ sinh học, hạn chế sử dụng phân bón hóa học như: áp dụng phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; 3 giảm, 3 tăng; sử dụng bảng so màu lá lúa; tăng cường sử dụng sản phẩm vi sinh, kết hợp sử dụng hoá chất không độc hại hoặc ít độc hại khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cổ truyền của dân tộc như việc sử dụng các côn trùng “thiên địch” để bảo vệ mùa màng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 61 - 64)