Nâng cao năng lực chế biến xay xát gạo xuất khẩu thông qua việc đầu tư, phát triển công nghệ thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và chế biến xay xát

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 65 - 67)

tư, phát triển công nghệ thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và chế biến xay xát

Công nghệ thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và chế biến xay xát có vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất gạo xuất khẩu. Cũng như các tỉnh thành khác, Cần Thơ vẫn

còn những hạn chế nhất định về công nghệ thu hoạch, xử lý sau thu hoạch. Do đó, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Trong khâu thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: trong khâu này có thể chia ra các bước công việc là: cắt gom, vận chuyển, tuốt đập, phơi sấy, làm sạch, tồn trữ và bảo quản. Phơi sấy và tồn trữ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gạo, mà còn tạo điều kiện chủ động cho hộ nông dân có thể lựa chọn được thời điểm bán lúa thích hợp để tăng thu nhập. Vì vậy, để giảm chi phí sản xuất và tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch, Nhà nước cần khuyến khích nông dân sử dụng cơ giới hoá trong thu hoạch thông qua việc sử dụng máy gặt đập liên hợp.

Tuy nhiên, chi phí mua máy hiện nay khá cao nên có thể hỗ trợ bằng cách cho vay tín dụng ưu đãi thông qua các chương trình, dự án hoặc hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công tác dồn điền, đổi thửa để thuận lợi cho việc đưa máy vào thu hoạch lúa. Mặt khác, sau khi thu hoạch lúa đa số nông dân đều phơi lúa trên sân xi măng, sân gạch, tấm đệm, lưới,… Do thiếu phương tiện phơi sấy nên tỷ lệ tổn thất và lẫn tạp chất cao, đặc biệt là vào mùa mưa nếu không sấy lúa hạ độ ẩm kịp thời thì hạt gạo bên trong sẽ bị ẩm vàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, phần lớn nông dân không đủ phương tiện phơi sấy và bảo quản, buộc phải bán ngay sau khi thu hoạch, nhưng theo quy luật cứ vào vụ thu hoạch rộ thì giá lúa lại thấp làm giảm thu nhập của người sản xuất.

Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần có chính sách mở rộng tín dụng dài hạn, hỗ trợ vốn để nông dân có vốn đầu tư xây dựng mới và sửa chữa hệ thống sân phơi, thiết bị sấy quy mô nhỏ khoảng 500-1.000kg/mẻ sấy, kho chứa với nhiều loại quy mô, công nghệ phù hợp loại hình sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân,…). Ngoài ra, ở mỗi huyện cần đầu tư kho chứa quy mô lớn, trang bị hệ thống chống ẩm, chuột bọ phá hoại, để nông dân chưa có nhu cầu bán lúa thực hiện phương thức ký gởi lúa hàng hoá để bảo chất lượng gạo và tăng thu nhập cho nông dân.

- Trong khâu chế biến xay xát: Trong ngành chế biến lương thực nói chung và chế biến xay xát lúa gạo nói riêng thì xay xát là một trong những công đoạn quan trọng nhất của khâu chế biến. Vì vậy đầu tư cải tạo và hiện đại hóa hệ thống xay xát chế biến gạo là vấn đề quan tâm hàng đầu trong chế biến lúa gạo. Vấn đề đầu tư cải tạo và hiện đại hoá hệ thống xay xát để nâng cao quy cách chất lượng gạo xuất khẩu, trước hết yêu cầu phải

cải tiến về mặt công nghệ. ở công đoạn nhập nguyên liệu, cần trang bị phương tiện sàng tách tạp chất và máy sấy để đảm bảo lúa đủ tiêu chuẩn về độ sạch và độ ẩm tiêu chuẩn (14%), sẽ giảm thiểu được gạo gãy trong quá trình xay xát. Trong quá trình chế biến cần thay phương pháp công nghệ cũ (với đặc điểm dùng cối đá để bóc trấu và chà trắng) trước đây bằng phương pháp công nghệ hoàn chỉnh hơn. Trong đó, bóc trấu bằng rulo cao su sẽ cho tỷ lệ gạo lật (gạo lức) cao hơn, bóc cám bằng thanh trượt lặp nhiều lần (2-4 lần) đảm bảo gạo trắng hơn mà ít bị gãy nát hơn, đánh bóng để lau sạch lớp cám muội bám trên bề mặt hạt gạo giúp dự trữ được lâu hơn, sàng lọc tạp chất lần thứ 2 nhằm loại tạp chất triệt để hơn. ở công đoạn cuối cùng bán thành phẩm được sàng phân loại chi tiết, cho vào các thùng chứa riêng biệt theo các nhóm: hạt nguyên (hai đầu hạt gạo đều nhọn), hạt mẻ đầu (ít nhất bằng 8/10 hạt nguyên), gạo gãy hay tấm lớn (từ 5/10 đến < 8/10 hạt nguyên), tấm vừa (từ 2,5/10 đến dưới 5/10 hạt nguyên), tấm nhỏ (<2,5/10 hạt gạo nguyên), từ đó cho phép phối trộn gạo thương phẩm theo quy cách của bất kỳ phẩm cấp nào mà khách hàng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ, UBND thành phố cần có chính sách, chương trình cho vay ưu đãi, miễn thuế trong thời gian đầu khi ứng dụng công nghệ xay xát hiện đại để khuyến khích nông dân và nhà tiểu công nghiệp tham gia đầu tư phát triển rộng khắp ở các vùng sản xuất lúa một hệ thống máy xay cỡ nhỏ với tính cơ động cao (công suất mỗi máy từ 500-1.000 kg lúa/giờ) nhằm tạo nguồn cung ứng gạo nguyên liệu sạch (gạo lật) dồi dào.

Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh lúa gạo giữ vai trò chủ đạo trong việc tập trung đầu tư hệ thống, nhà máy lau xát gạo quy mô lớn ở những địa điểm thuận tiện cho việc lưu thông, phân phối. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng một số cụm công nghiệp liên hợp, phục vụ xuất khẩu gạo (kết hợp kho trung chuyển với nhà máy xay xát, đánh bóng gạo, nhà máy sản xuất bao bì nằm gần cảng xuất khẩu gạo). Trong đó, yêu cầu hệ thống nhà máy xay xát gạo phải đảm bảo các quy trình công nghệ hiện đại. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu phát triển sản xuất những mặt hàng mới (như gạo đồ, gạo sấy) để đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay doc (Trang 65 - 67)