Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại nói chung, khiếu nại về đất đai nói riêng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương docx (Trang 102 - 105)

đất đai nói riêng

Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, phần nói về đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, có đoạn viết: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” và nhấn mạnh:

Phải kiện toàn tổ chức…Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu dân ý. Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người…Đổi mới cơ chế, xác định trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, cán bộ, công chức trong việc giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân [18, tr.131-135].

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị trên, cần tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật, cơ chế giải quyết khiếu nại nói riêng, cụ thể:

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân cũng như người sử dụng đất thực hiện quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết có hiệu quả các khiếu nại hành chính, thời gian qua Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó hầu hết có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính. Hệ thống các quy định này đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết có hiệu quả các khiếu nại hành chính phát sinh trong thực tế. Mặc dù vậy, quá trình thực hiện cho thấy các quy định pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại ngày càng bộ lộ nhiều hạn chế, bất cập. Để khắc phục kịp thời các hạn chế này cần phải tiến hành việc rà soát các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính để phát hiện các vướng mắc, sơ hở đang tồn tại trong pháp luật. Việc rà soát cần đánh giá về tính phù hợp, tính khả thi của các quy định pháp luật so với yêu cầu thực tiễn, đồng thời so sánh, đối chiếu, phân tích các quy định trong các văn bản đó với các quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong các văn bản pháp luật khác để đánh giá về tính đồng bộ của các quy định pháp luật. Việc rà soát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục đối với từng quy định trong các văn bản, đồng thời phải được tiến hành toàn diện đối với các quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, luật sư; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thủ tục giải quyết khiếu nại…và các quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính. Mục đích của việc rà soát là phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn,

chồng chéo hoặc ban hành sai thẩm quyền để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền huỷ bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung. Phải tiến hành tổng kết đánh giá tình hình khiếu nại và giải quyết khiếu nại để từ đó thấy được nguyên nhân làm phát sinh các khiếu nại, những lĩnh vực có nhiều khiếu nại, bức xúc của nhân dân, rút ra những phương thức giải quyết khiếu nại hiệu quả nhất. Việc tổng kết phải chỉ ra được các ưu điểm, nhược điểm trong các quy định pháp luật, nhất là các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Các quy định về trách nhiệm, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính có phù hợp với yêu cầu thực tiễn không, có gây khó khăn, cản trở hoặc làm hạn chế quyền dân chủ của nhân dân không….Bên cạnh đó việc tổng kết cũng phải đánh giá được các ưu điểm, nhược điểm của các quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết khiếu nại của công dân, cũng như các quy định về bảo đảm thi hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Trước hết phải rà soát các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, nhà ở (khiếu nại liên quan đến lĩnh vực này đang chiếm tỷ lệ cao) để kịp thời sửa đổi những nội dung bất cập, bổ sung những nội dung còn thiếu, chưa cụ thể, rõ ràng, loại bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, ban hành văn bản quy phạm mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chính sách về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi theo hướng vừa bảo vệ lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp được giao đất, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi để người đó tự giác chấp hành quyết định thu hồi đất, hạn chế khiếu kiện, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân sau thu hồi đất, góp phần ổn định chính trị, xã hội.

Cần xây dựng các văn bản quy phạm thống nhất về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi để nhà nước và công dân thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực này, không tạo ra sự khác nhau giữa các dự án có cùng tính chất vì hiện nay quy định về các nội dung trên nằm rải rác trong từng văn bản pháp luật và trong

nhiều văn bản pháp luật, rất hạn chế cho việc vận dụng. Thực tế trong những năm qua cho thấy khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó chủ yếu là khiếu nại về bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và đây thường là những khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài. Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực này sao cho phù hợp với các vấn đề: Giá bồi thường; chính sách để người dân ổn định, bảo đảm được cuộc sống sau thu hồi đất như đào tạo nghề, ưu tiên nhận con em gia đình có đất thu hồi vào làm việc trong các dự án, đưa được nhiều lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ hoặc đi lập nghiệp nơi khác…v.v để hạn chế thấp nhất việc khiếu nại.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về tiếp dân và giải quyết khiếu nại của dân theo hướng cụ thể hoá và đồng bộ hoá các quy định đó. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các quy định về triển khai và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ và giải quyết khiếu nại của công dân. Cần phải luật hoá các quy định về tiếp dân và giải quyết khiếu nại của dân một cách toàn diện hơn như là một nhiệm vụ khách quan của thời kỳ đổi mới. Sớm hoàn thiện đề án đổi mới công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại của công dân. Tập trung nghiên cứu đề án tổ chức cơ quan tài phán hành chính để sớm cho ra đời cơ quan này nhằm giải quyết các khiếu nại của dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, giảm tải cho các cơ quan hành chính. Hoạt động của cơ quan tài phán hành chính cần phải tuân theo một quy trình tố tụng chặt chẽ theo cơ chế hoạt động độc lập để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong phán quyết. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật khiếu nại, tố cáo hiện nay theo chỉ đạo của Quốc Hội là tách Luật khiếu nại, tố cáo thành hai luật là Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật tố cáo và giải quyết tố cáo để nâng cao hiệu quả và tạo sự chuyển biến cơ bản công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại trong những năm tới.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương docx (Trang 102 - 105)