Trong đời sống xã hội, pháp luật là một trong nhiều phương thức thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời là phương tiện để nhà nước quản lý kinh tế, xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua các quy định của pháp luật, các quan hệ xã hội được nhà nước điều chỉnh theo những mục tiêu đã định. Đối với nhà nước ta, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả chức năng tổ chức và quản lý kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…Mặc dù pháp luật
điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, song nó luôn có xu hướng phát triển chậm hơn so với sự phát triển của các quan hệ kinh tế- xã hội. Chính vì vậy, quá trình phát triển kinh tế của nhà nước ta luôn có những điều chỉnh về pháp luật, bảo đảm pháp luật là điều kiện quyết định thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.
Thực hiện pháp luật xét về bản chất là hiện thực hoá các quy phạm pháp luật chỉ tồn tại trên giấy vào trong đời sống thực tế. Nếu không có quy phạm pháp luật thì sẽ không có thực hiện pháp luật và tất yếu không có áp dụng pháp luật. Đây là một lôgíc không thể đảo lộn được. Do vậy, yêu cầu đặt ra là, để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi phải có sự tổng hoà các điều kiện, bao gồm sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thực định, sự hoàn thiện của cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật, ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong quan hệ pháp luật đất đai.
Đối với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thực định, nhất là pháp luật về đất đai thể hiện ở những tiêu chí như tính toàn diện, tính đồng bộ, tính khả thi và trình độ kỹ thuật lập pháp.
Đối với sự hoàn thiện của cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật biểu hiện qua các vấn đề như: Việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong xã hội; Công tác tổ chức triển khai áp dụng pháp luật trên thực tế; Công tác tổ chức và chất lượng hoạt động của cơ quan áp dụng pháp luật; Năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia áp dụng pháp luật; Chất lượng của văn bản áp dụng pháp luật; Các điều kiện vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác áp dụng pháp luật…v.v
Đối với ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong quan hệ pháp luật đất đai cao hay thấp phụ thuộc không nhỏ vào công tác phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cũng như chất lượng của pháp luật; chất lượng của hoạt động thực hiện, áp dụng pháp luật. Điều này nói lên sự gắn bó mật thiết giữa sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thực định với thực tiễn thực hiện, bởi các chủ thể thực hiện, áp dụng pháp luật hoạt động trên cơ sở pháp luật, giải quyết các vấn đề của đời sống
xã hội bằng pháp luật để thực hiện những nhiệm vụ, những mục đích đặt ra. Do vậy, thực tiễn trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền nước ta hiện nay đòi hỏi việc áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai không những phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh mà hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật đó cũng phải đạt được trình độ với chất lượng rất cao.