Thứ nhất, về sự thiếu hụt cán bộ, năng lực, trình độ cán bộ: Đất đai là vấn đề phức
tạp, đã và đang phát sinh nhiều khiếu kiện, nhưng tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu kiện thiếu ổn định và nhìn chung còn bất cập so với yêu cầu thực tế. Giải quyết một vụ khiếu nại đòi hỏi phải có các bước thẩm tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận, do đó cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Nhưng tổ chức công tác giải quyết khiếu nại hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm; khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng bộ máy thụ lý ở cấp này lại không tương xứng. Thực tế cho thấy ngoài chức năng chuyên môn, phòng Tài nguyên và Môi trường còn có chức năng tham mưu cho Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện giải quyết các khiếu nại về đất đai. Tuy nhiên do phải đảm trách nhiều công việc chuyên môn nên các phòng Tài nguyên và Môi trường đã bộc lộ những hạn chế và bất cập về nhân lực, năng lực, trình độ và tính chuyên môn hoá cán bộ trong công tác giải quyết khiếu nại về đất đai. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính về quyết định giải quyết khiếu nại nhưng phải lo mọi việc của địa phương nên không thường xuyên chuyên
tâm về việc này. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải quyết chậm chạp, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, tái khiếu nhiều.
Thứ hai, sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ,
công chức; sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.
Đất đai có giá trị đặc biệt, nhưng trong thời gian dài công tác quản lý đất đai thể hiện sự yếu kém, bất cập dẫn tới những sai phạm có tính phổ biến, trong đó đáng lưu ý là một bộ phận cán bộ, công chức thoái hoá biến chất đã lợi dụng chức quyền có hành vi vụ lợi trong quản lý, sử dụng đất đai, nhũng nhiễu, để lại những hậu quả nặng nề và gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan nhà nước, là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại và khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại.
Nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế, trong khi việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt. Nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rất rõ các quy định của pháp luật, song để thoả mãn các yêu cầu, lợi ích cá nhân nên cố tình không chấp hành những quyết định đã giải quyết đúng pháp luật; một số trường hợp lợi dụng việc khiếu nại để kích động, trục lợi cho cá nhân, các đối tượng này chưa được xử lý nghiêm minh theo pháp luật làm cho hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước còn hạn chế.
Thứ ba, bên cạnh các nguyên nhân trên còn có nguyên nhân hạn chế trong công tác
chỉ đạo của cấp lãnh đạo, của người có thẩm quyền do thiếu kịp thời, chưa kiên quyết; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành đoàn thể khi giải quyết khiếu nại; việc nắm bắt và nhận thức không đúng đắn, không đầy đủ, chưa kịp thời những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai, hoặc do giải quyết thiếu công tâm, khách quan không dựa trên cơ sở pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại về đất đai.
Chương 3