đến vụ việc
Đây là giai đoạn đầu tiên trong quy trình áp dụng pháp luật. Tuy là bước khởi đầu nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc làm phát sinh, xác lập một quan hệ pháp luật dân sự về giải quyết khiếu nại về đất đai. Ở giai đoạn này yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải xác định các đặc trưng pháp lý của vụ việc; xác định chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật và xem xét sự việc một cách khách quan, toàn diện cũng như tuân thủ các quy định về trình
tự, thủ tục cần thiết trong quá trình tiếp nhận, thụ lý và xử lý công việc. Đối với một vụ việc giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, để được Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp nhận, thụ lý giải quyết, pháp luật đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Người khiếu nại phải làm đơn gửi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hiệu, thời hạn theo quy định của pháp luật, trong đơn ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân và nơi ở của người đứng tên nêu trong đơn. Đơn phải trình bày rõ nội dung về lý do khiếu nại, diện tích, số tờ, số thửa, địa chỉ khu đất nơi khiếu nại, có chữ ký của người khiếu nại và kèm theo các giấy tờ liên quan (nếu có).
- Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính hay hành vi hành chính mà mình khiếu nại, đồng thời phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trường hợp thông qua người đại diện thì người đó phải có giấy tờ chứng minh với cơ quan chức năng, thẩm quyền về việc đại diện hợp pháp của mình.
- Trường hợp khiếu nại đất đai là các tổ chức nói chung thì phải thông qua người đại diện đương nhiên theo pháp luật là thủ trưởng cơ quan hoặc người đứng đầu tổ chức. Trong trường hợp uỷ quyền thì người được uỷ quyền chỉ có quyền tham gia khiếu nại theo đúng nội dung được uỷ quyền.
- Việc khiếu nại của người sử dụng đất chưa có quyết định giải quyết lần hai hoặc chưa được toà án thụ lý để giải quyết.
Sau khi tiếp nhận bước đầu, thì bộ phận tiếp nhận đơn ghi vào sổ theo dõi và chuyển đến cơ quan chuyên môn có chức năng thuộc cơ quan thẩm quyền cùng cấp để xem xét, thụ lý và tiến hành các biện pháp, thao tác nghiệp vụ như thông báo cho đương sự việc thụ lý hay không thụ lý vụ việc; nếu trong trường hợp đủ điều kiện thụ lý vụ việc thì cơ quan có chức năng ra công văn yêu cầu cơ quan đã tiến hành giải quyết trước đó chuyển hồ sơ; kiểm tra hồ sơ và nghiên cứu hồ sơ; phân công cán bộ thẩm tra, xác minh….nhằm mục đích là thu thập thêm thông tin, củng cố các chứng cứ, yếu tố, tình tiết để xác định và làm rõ tính có căn cứ, tính khách quan, chủ quan làm cơ sở để áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại. Bước này đòi hỏi công chức phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao vì phải làm
việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có liên quan, tổ chức đối chất, đối thoại; kiểm tra và xem xét thực tế; làm việc với cơ quan có thẩm quyền; đánh giá thông tin, tài liệu để xác định đâu là căn cứ, tài liệu được coi là chứng cứ pháp lý, đâu là tài liệu chỉ có tính chất tham khảo để làm cơ sở lập báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh. Kết quả bước này có ý nghĩa quan trọng cho việc đưa ra phương án giải quyết đúng đắn nhất, có tính khả thi cao.