Giai đoạn lựa chọn quy phạm pháp luật để giải quyết vụ việc

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương docx (Trang 37 - 38)

Sau khi xác định đầy đủ các điều kiện, dấu hiệu pháp lý của vụ việc, chủ thể áp dụng pháp luật phải lựa chọn quy phạm pháp luật cụ thể tương ứng, thích hợp điều chỉnh quan hệ xã hội đó để áp dụng làm căn cứ giải quyết vụ việc. Khi lựa chọn quy phạm pháp luật phải chú ý đến tính chính xác về nội dung của nó. Quy phạm được lựa chọn phải là quy phạm đang có hiệu lực cả về ba phương diện là hiệu lực theo thời gian, theo không gian và theo đối tượng áp dụng. Về nguyên tắc: “Việc giải quyết các trường hợp khiếu nại, tranh chấp về đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn đến khiếu nại, tranh chấp…”[6, tr.10]. Chú ý, nếu gặp trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì lựa chọn quy phạm áp dụng trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc trong văn bản được ban hành sau nếu các văn bản đó do cùng một cơ quan ban hành. Thực tiễn cho thấy việc lựa chọn đúng đắn một quy phạm pháp luật để giải quyết một vụ việc khiếu nại về đất đai cũng có những khó khăn, phức tạp khác nhau. Điều đó cho thấy nếu làm tốt việc nghiên cứu hồ sơ, xác minh và đánh giá đúng chứng cứ từ khâu đầu tiên thì sẽ giúp cho việc lựa chọn quy phạm pháp luật của chủ thể áp dụng được thuận lợi, chính xác. Việc tiếp theo, chủ thể áp dụng pháp luật phải làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa của quy phạm pháp luật được lựa chọn, đồng thời phải tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai và giải quyết khiếu nại về đất đai ở thời điểm hiện tại về vấn đề đó để áp dụng cho phù hợp. Điều này có mục đích đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng đắn. Đây là quá trình đòi hỏi chủ thể áp dụng pháp luật phải vận dụng tổng hợp các tri thức chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là các tri thức pháp lý. Ngoài ra, để làm sáng tỏ tư tưởng và nội dung quy phạm pháp luật đưa ra áp dụng nhiều lúc chủ thể áp dụng cần phải giải thích pháp luật. Thông thường phải sử dụng các phương pháp như: Phương

pháp lôgíc, phương pháp giải thích về mặt văn phạm, phương pháp giải thích về mặt lịch sử, phương pháp giải thích hệ thống…

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương docx (Trang 37 - 38)