Giai đoạn ký và ban hành quyết định

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương docx (Trang 38 - 40)

Đây là giai đoạn trung tâm, quan trọng nhất của quá trình áp dụng pháp luật bởi tính nhân quả của việc áp dụng pháp luật. Theo một cách chung nhất, sau khi xem xét, đối chiếu các tình tiết, hoàn cảnh, điều kiện của sự việc thấy phù hợp với những điều nêu trong quy phạm pháp luật đã lựa chọn, thì cơ quan hay nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng pháp luật đối với những trường hợp đó ban hành văn bản áp dụng pháp luật (quyết định) để giải quyết vụ việc. Văn bản áp dụng pháp luật là kết quả của quá trình áp dụng pháp luật luôn thể hiện rõ trình độ và tính sáng tạo của chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật, bởi vì qua văn bản áp dụng pháp luật, những tình tiết của vụ việc được đánh giá chính thức mang tính pháp lý, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Mặt khác, bằng văn bản áp dụng pháp luật, những quyền và nghĩa vụ hoặc trách nhiệm chung chứa đựng trong các quy phạm pháp luật được cá biệt hoá, cụ thể hoá đối với những chủ thể nhất định. Khi ra văn bản giải quyết vụ việc, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách không thể xuất phát từ động cơ cá nhân hoặc quan hệ riêng tư. Văn bản áp dụng pháp luật phải phù hợp với lợi ích và mục đích mà nhà nước đã đề ra trong quy phạm pháp luật. Do đó văn bản áp dụng pháp luật phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Tính hợp pháp nghĩa là văn bản áp dụng pháp luật phải ban hành đúng thẩm quyền, đúng tên gọi, đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Nội dung của văn bản áp dụng pháp luật phải rõ ràng, chính xác, đầy đủ, chứa đựng tất cả các thông tin cần thiết như tên cơ quan ban hành, số và ký hiệu văn bản, địa điểm, thời gian ban hành, chữ ký, con dấu hay quốc hiệu, quốc huy, tên chủ thể bị áp dụng, nội dung sự việc…v.v.

- Có cơ sở pháp lý, nghĩa là trong văn bản phải chỉ rõ là căn cứ vào quy định nào của pháp luật để áp dụng. Và cơ quan hay nhà chức trách giải quyết trường hợp này là trên cơ sở quy định nào của pháp luật. Cơ sở pháp lý này phải chỉ rõ chi tiết cụ thể tới mục, khoản, điều của văn bản pháp luật. Nếu văn bản áp dụng pháp luật được ban hành trong trường hợp áp dụng pháp luật tương tự thì phải có sự lý giải kỹ càng về tính hợp pháp, hợp lý của việc áp dụng tương tự pháp luật đó, đồng thời cũng phải ghi rõ đã áp dụng tương tự quy phạm pháp luật nào hoặc nguyên tắc, tư tưởng pháp luật nào.

- Có cơ sở thực tế, nghĩa là việc ban hành văn bản phải căn cứ vào những sự kiện, những nhu cầu đòi hỏi thực tế có thật và đáng tin cậy. Nếu ra văn bản áp dụng pháp luật mà không dựa vào cơ sở thực tế đáng tin cậy hoặc không có thật thì sẽ có thể dẫn đến áp dụng pháp luật nhầm, sai, hoặc không có tính thuyết phục.

- Văn bản áp dụng pháp luật phải có tính khả thi, tức là văn bản phải được ban hành phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của cuộc sống, nội dung của văn bản phải có khả năng thực hiện trong thực tế. Nếu văn bản áp dụng pháp luật không phù hợp với điều kiện thực tế thì nó sẽ khó được thi hành nghiêm chỉnh trong thực tế hoặc được thi hành nhưng kém hiệu quả. Ngoài ra văn bản ban hành phải bảo đảm tính tối ưu, nghĩa là, phải có lợi nhất về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, tinh thần và xã hội cho nhà nước, xã hội và các chủ thể pháp luật.

Ban hành văn bản áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh là việc chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, căn cứ vào các quy định của pháp luật ra quyết định hành chính để giải quyết lần đầu hoặc giải quyết lần thứ hai một vụ khiếu nại về đất đai. Theo quy trình, sau khi thẩm tra, xác minh và làm rõ các chứng cứ hồ sơ, thủ trưởng cơ quan chức năng, chuyên môn thụ lý vụ việc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho người có thẩm quyền cùng cấp về toàn bộ nội dung vụ việc (khái quát diễn biến vụ việc, quá trình giải quyết trước đó, kết quả thẩm tra, xác minh, nhận xét, kết luận, kiến nghị đường lối giải quyết bằng pháp luật đối với vụ việc…). Với trách nhiệm và quyền hạn của mình, người có thẩm quyền (Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, tỉnh) xem xét, căn cứ báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết để ký và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định hành chính giải quyết khiếu nại về đất đai phải đảm bảo đúng thể thức văn bản và kỹ thuật trình bày, nội dung phải thật ngắn gọn nhưng phải chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng. Đồng thời phải chứa đựng đầy đủ lượng thông tin cần thiết của một văn bản áp dụng pháp luật như quốc hiệu, tên cơ quan ban hành văn bản, số, ký hiệu văn bản; địa danh, ngày, tháng, năm ban hành văn bản, chữ ký, con dấu, họ tên người có thẩm quyền; họ tên, địa chỉ của chủ thể bị áp dụng pháp luật; quyền cũng như lợi ích mà người bị áp dụng pháp luật được hưởng; kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ; giữ nguyên, sửa đổi hoặc huỷ bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; việc bồi thường cho người

bị thiệt hại (nếu có); quyền khiếu nại tiếp, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án hay không....vv. Đây là yêu cầu, là điều kiện cần và đủ để một quyết định hành chính đảm bảo tính hợp pháp có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tế và mang tính khả thi. Sau khi ký và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định đó phải được gửi đến người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan…trong thời hạn pháp luật quy định để họ căn cứ thực hiện.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương docx (Trang 38 - 40)