Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và yêu cầu chung của sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Đảng cộng sản Việt Nam đã xây dựng đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2001 đến năm 2010 là:
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh [6, tr.24].
Điều đó tác động rất lớn đến xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên nói riêng như:
Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tất yếu sẽ làm cho giai cấp công nhân phát triển đa dạng, tự do về thị trường việc làm với những đặc điểm khác nhau về vị thế, thu nhập, tiền lương, sự cạnh tranh về việc làm và đặt ra yêu cầu nâng cao trình độ của người công nhân trên mọi lĩnh vực.
Chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, định hướng phát triển cơ cấu ngành, cơ cấu vùng khiến giai cấp công nhân phát triển theo các chiều hướng như: chuyển dịch công nhân từ ngành này sang ngành khác; xuất hiện thêm công nhân các ngành kinh tế mới, nhất là công nhân dịch vụ hiện đại, công nhân có trình độ công nghệ cao khiến cho số lượng công nhân tăng lên và xu hướng trẻ hóa trong đội ngũ công nhân.
Chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ hình thành và phát triển đội ngũ công nhân nông nghiệp ở nhiều bình diện khác nhau…
Bên cạnh đó, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cũng tác động tích cực đến xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân như: chính sách tiền lương, chính sách giải quyết việc làm, chính sách giáo dục - đào tạo, chính sách phát triển khoa học và công nghệ, chính sách mở rộng kinh tế đối ngoại, chính sách phát triển kinh tế vùng miền.