Số lượng công nhân tỉnh Hưng Yên hiện nay đang bị mất cân đối giữa các ngành công nghiệp. Biểu hiện cụ thể là: năm 2007 trong tổng số 101.116 công nhân công nghiệp của toàn tỉnh có đến 100.736 công nhân thuộc ngành công nghiệp chế biến; 245 công nhân thuộc ngành công nghiệp khai thác mỏ và 135 công nhân thuộc ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước. Trong số 100.736 công nhân thuộc ngành công nghiệp chế biến, có: 22.313 công nhân ngành trang phục và nhuộm da thú; 20.981 công nhân sản xuất thực phẩm và đồ uống; 8.814 công nhân chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm từ tre nứa; 7.925 công nhân sản xuất thủy tinh, các sản phẩm từ thủy tinh, gốm sứ;
7571 công nhân sản xuất giường, tủ, bàn nghế; 2.262 công nhân sản xuất máy móc và thiết bị. Còn lại là công nhân thuộc các ngành chế biến khác như: dệt, thuộc sơ chế da, va li, túi sách, sản xuất giấy, sản xuất kim loại, sản xuất xe có động cơ rơ moóc…[2, tr.99]. Đặc biệt trong vài năm gần đây, cùng với cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực, công nhân dịch vụ công nghiệp không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Nếu như khi mới tái lập tỉnh, ngành dịch vụ chỉ được coi như là một ngành phụ của sản xuất kinh doanh thì hiện nay đã có cơ cấu riêng, trở thành một ngành kinh doanh lớn và đến nay đã chiếm tỷ trọng khá cao (31,3%), chỉ sau tỷ trọng công nghiệp, xây dựng (42,8%). Ngoài ra cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, một số ngành nghề đòi hỏi phải gắn với công nghệ hiện đại nên bước đầu ở tỉnh Hưng Yên đã hình thành một đội ngũ công nhân có trình độ cao tuy số lượng chưa nhiều, họ chủ yếu từ Hà Nội về làm việc tại một số công ty như: Công ty điện tử LG, Công ty ô tô nông dụng Cửu Long, Công ty Cổ phần thép Việt ý, Công ty Cổ phần ống thép Hòa Phát… Điều này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Hưng Yên.