Về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá pot (Trang 40 - 42)

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu công nhân phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt. Điều này cũng đã thể hiện ở đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên như sau:

- Về trình độ học vấn:

Trình độ học vấn là chìa khóa để tiếp nhận tri thức khoa học, công nghệ hiện đại. Thực tế quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho thấy, trình độ học vấn của công nhân càng cao họ càng có điều kiện để tiếp nhận khoa học - công nghệ hiện đại, và do đó càng có cơ hội thích ứng với sự chuyển đổi nghề nghiệp.

Trình độ học vấn của đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên được biểu hiện như sau: “Năm 1997, tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học (cấp I) là 27,2%; tốt nghiệp phổ thông cơ sở (cấp II) là 38,2%; tốt nghiệp phổ thông trung học (cấp III) là 34,6%. Đến 2007, tỷ lệ công nhân tốt nghiệp tiểu học chỉ còn 2,2%; tốt nghiệp phổ thông cơ sở là 36,3%; tốt nghiệp phổ thông trung học là 61,5%” [2, tr.89]. Nhìn vào số liệu trên ta thấy, sau 10 năm tái lập tỉnh trình độ học vấn của công nhân dần được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ công nhân tốt nghiệp phổ thông trung học ngày càng tăng lên. Có được kết quả trên là do Đảng bộ tỉnh Hưng Yên rất quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, nhằm không ngừng nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ công nhân của tỉnh, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ công nhân chỉ tốt nghiệp phổ thông cơ sở còn khá nhiều (36,3%), vẫn còn công

nhân chỉ tốt nghiệp bậc tiểu học (2,2%), đa số những công nhân này chủ yếu làm việc ở ngành may mặc và giầy da. Với trình độ học vấn còn thấp như thế tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ thực trạng trên, nếu chúng ta không có một chính sách đào tạo, đào tạo lại thích hợp, thì rất khó có thể nâng cao trình độ học vấn của đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên lên.

- Về trình độ chuyên môn kỹ thuật:

Là một tỉnh cũng có một số trường đào tạo nghề cho công nhân như: trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Hưng Yên, trường Cao đẳng Bách Khoa Hưng Yên, trường Cao đẳng cơ điện, trường trung cấp nghề Hưng Yên, trường trung cấp Việt Hàn, song tỷ lệ công nhân qua đào tạo còn ít, cụ thể: “Số công nhân có trình độ từ cao đẳng trở lên là 15,4%, công nhân kỹ thuật là 27,1%, công nhân trình độ trung cấp là 15,9%, không được đào tạo là 41,6%” [3, tr.10].

Một điểm bất cập nữa hiện nay tỷ lệ công nhân lành nghề, thợ bậc cao còn ít, cụ thể: “Thợ lành nghề bậc cao (bậc 6 - 7) chỉ chiếm 10,2%, công nhân lao động giản đơn là 18,6%, lao động (bậc 1 - 3) là 30,2%, lao động (bậc 4- 5) là 20,0%" [3, tr.10]. Trong khi đó, ngày càng nhiều công nhân có tay nghề cao đang được thu hút vào các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một lực cản lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở tỉnh Hưng Yên hiện nay cũng như ảnh hưởng đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự thiếu hụt nghiêm trọng công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và tay nghề bậc cao bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân sau: mặc dù những năm gần đây nước ta nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho người lao động nhưng vẫn chưa có một chiến lược và quy hoạch đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ học vấn và tay nghề cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Công tác định hướng học nghề trong các trường phổ thông còn chậm. Tâm lý học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học thường muốn thi Đại học mà không muốn học nghề để trở thành công nhân, chỉ khi thi trượt thì mới tính đến học nghề. Có trường dù đã xây dựng xong nhưng không tuyển

đủ học viên, nên việc giảng dạy ở đây rất cầm chừng, như trường Trung cấp nghề Hưng Yên. Hệ thống các trường dạy nghề trong tỉnh còn ít, cả tỉnh hiện nay mới có 5 trường tham gia vào công tác dạy nghề. Nội dung giảng dạy còn nghèo nàn chưa đổi mới để phù hợp với thị trường lao động. Đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm trong công tác dạy nghề còn mỏng; tỉnh chưa có trường đào tạo nghề chất lượng cao. Công tác tổ chức các hội thi tay nghề cho công nhân trong tỉnh không được thường xuyên. Chưa có chính sách khuyến khích công nhân học nghề và đầu tư thỏa đáng kinh phí cho đào tạo công nhân. Do thiếu một chiến lược và quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng lớp công nhân trẻ có tay nghề bậc cao chuẩn bị thay thế lớp công nhân lớn tuổi, nên dẫn đến sự bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo và tình trạng thừa thầy, thiếu thợ càng diễn ra. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động do mở rộng sản xuất, tìm kiếm giá nhân công rẻ nên tuyển lựa tự do chủ yếu là các lao động không cần qua đào tạo. Khi vào làm chỉ cần học trong một thời gian ngắn là đã trở thành công nhân như ngành may mặc, giầy da... Nhiều công nhân phần đa chỉ lo kiếm sống để nuôi bản thân và phần nào giúp thêm gia đình, nên họ không muốn giành thời gian cho đào tạo lại… Khắc phục những mặt hạn chế trên là yêu cầu khách quan để góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá pot (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)