Tính đến thời điểm cuối năm 2007, số công nhân là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của tỉnh Hưng Yên chiếm một tỷ lệ rất thấp, nhất là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể: công nhân là đảng viên trong khu vực kinh tế nhà nước chiếm 14, 87%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ chiếm 4,57%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hầu như là không có. Tỷ lệ đoàn viên thanh niên trong khu vực kinh tế nhà nước chiếm số đông 49,5%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 30,3% [3, tr.15].
Như vậy, đảng viên và đoàn viên trong đội ngũ công nhân tỉnh Hưng Yên hiện nay vẫn chưa phát triển mạnh và phân bố không đều ở các khu vực kinh tế. Số lượng đảng viên và đoàn viên ở khu vực kinh tế nhà nước luôn cao hơn ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Một thực tế nữa là cũng có công nhân mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng họ không có nguyện vọng tham gia vào các tổ chức này. Bên cạnh đó, một số tổ chức cơ sở đảng, đoàn thanh niên ở tỉnh Hưng Yên hoạt động kém hiệu quả, mang tính hình thức, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, chủ yếu phụ thuộc vào chương trình hoạt động của đoàn cấp trên; chưa có nhiều hình thức để động viên, khuyến khích công nhân tham gia; bản thân các đồng chí đảng viên và đoàn viên thanh niên chưa thật sự gương mẫu trong lao động sản xuất cũng như trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.
- Tổ chức công đoàn:
So với tổ chức đảng và đoàn thanh niên thì số công nhân tham gia vào tổ chức công đoàn tỉnh Hưng Yên hiện nay ngày càng đông. Theo báo cáo của Liên đoàn lao động tỉnh từ năm 2001 - 2007, việc xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở và công tác phát triển đoàn viên công đoàn rất được chú trọng, cụ thể: năm 2003, toàn tỉnh mới có 745 công đoàn cơ sở, trong đó có 681 công đoàn cơ sở thuộc khu vực nhà nước (gồm hành chính sự nghiệp, xã phường, thị trấn và sản xuất kinh doanh), 64 công đoàn thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đến năm 2007, toàn tỉnh có 1.043 công đoàn cơ sở, trong đó có 856 công đoàn thuộc khu vực nhà nước (gồm hành chính sự nghiệp, xã phường, thị trấn và sản xuất kinh doanh), 187 công đoàn cơ sở thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước [37, tr.10]. Qua số
liệu trên ta thấy: số lượng công đoàn cơ sở thuộc khối khu vực kinh tế ngoài nhà nước từ năm 2003 - 2007 tăng khá nhanh. Sở dĩ có kết quả trên là do được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hoạt động của bản thân các công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động, trong tuyên truyền đường lối chủ trương, pháp luật Lao động của Nhà nước tương đối thành công, nhất là trong giải quyết các tranh chấp lao động. Theo kết quả điều tra sơ bộ, hầu hết số công nhân được hỏi về hoạt động của công đoàn cơ sở đều trả lời: công đoàn đã đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, đường lối, chủ trương luật pháp của Nhà nước nhất là Luật công đoàn, Luật lao động.
Theo kết quả phân loại của Liên đoàn lao động tỉnh năm 2007, 70% công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn công đoàn vững mạnh, trong đó 30% đạt xuất sắc, song chủ yếu là công đoàn thuộc khu vực kinh tế nhà nước hoặc công đoàn cơ sở thuộc khối hành chính sự nghiệp. Còn công đoàn khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 45,2%.
Bên cạnh những mặt đạt được như trên, cần thấy một thực tế hiện nay là các tổ chức công đoàn làm công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp cho đội ngũ công nhân còn rất hạn chế, thậm trí còn tránh đề cập đến trong các sinh hoạt công đoàn thường kỳ. Hiện tượng này diễn ra chủ yếu ở công đoàn khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ (kể cả trình độ, phương pháp hoạt động, giáo dục vận động thuyết phục) nên hoạt động của công đoàn cơ sở còn lúng túng, không có hiệu quả như: Công ty Cổ phần Mirae Fiber, Công ty TNHH Thuận Phát, Công ty TNHH may Phú Dụ. Có những Công ty do đặc thù sản xuất hoặc chủ sử dụng chưa tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoạt động hoặc hoạt động có hiệu quả nên đã quá thời gian thành lập Ban chấp hành công đoàn lâm thời nhưng đến nay vẫn chưa Đại hội như: Công ty TNHH Thuận Phát, Công ty TNHH may Phú Dụ, Công ty TNHH Tuấn Lợi, Công ty sản xuất và thương mại Thiên Trường, Công ty sản xuất và thương mại Hà Lan, Công ty Cổ phần Mirae Fiber. Việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động thông qua quy định pháp luật trong các doanh nghiệp ngoài
nhà nước còn nhiều hạn chế, nhất là việc ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động giữa người lao động và chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt tỷ lệ rất thấp, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa được đảm bảo. Theo điều tra của Liên đoàn lao động tỉnh năm 2007 tại 19 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ ký hợp đồng lao động bình quân tại các doanh nghiệp đạt cao, song hầu hết các hợp đồng lao động là hợp đồng có thời hạn 1 năm, hoặc 1 - 3 năm. Hơn 70% các hợp đồng lao động không ghi cụ thể chi tiết theo hướng dẫn, theo quy định của pháp luật về mức lương, thang bảng lương, điều kiện lao động, thời gian làm thêm giờ, các điều, khoản…Thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động: đã có 13/ 19 doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, nhưng chưa thông qua cơ quan quản lý lao động địa phương (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động còn chung chung, hình thức. Sau khi đã thông qua cơ quan quản lý địa phương tại đơn vị không thông báo rộng rãi cho công nhân biết để làm cơ sở thực hiện nghiêm túc. Một số doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động không phù hợp với Luật lao động: Phạt bằng tiền với các lỗi vi phạm của công nhân, điển hình là 2 công ty liên doanh với Trung Quốc: Công ty TNHH Lifan - Jili và Công ty Máy Động Lực [38, tr.2 - 3].
Đa số cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm và cũng là những người lao động hưởng lương trong các doanh nghiệp, nên họ bị chi phối bởi quan hệ chủ - thợ, khó thực hiện được vai trò của mình khi cần thiết. Bản thân cán bộ công đoàn còn thiếu; trình độ học vấn, trình độ pháp luật, nghiệp vụ công tác công đoàn chưa cao, do vậy cũng ảnh hưởng đến hoạt động chung của công đoàn cơ sở. Đã có một số ít cán bộ công đoàn bị giới chủ lợi dụng nên chưa bảo vệ lợi ích chính đáng cho công nhân.
Từ những vấn đề trên, dẫn đến chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn chưa cao, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, nhất thiết phải khắc phục những hạn chế đó để vai trò của tổ chức công đoàn ngày càng thực hiện đầy đủ, có như vậy, tổ chức công đoàn mới thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho giai cấp công nhân và người lao động.