* Nguyên nhân khách quan:
Một là, nước ta đang trong quá trình đổi mới, thực hiện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế theo trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước là những loại hình kinh tế mới được hình thành và phát triển trong một thời gian ngắn, theo đó hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là những vấn đề mới chưa có trong thực tế lãnh đạo của Đảng ta. Do đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn; quá trình vừa triển khai thực hiện, vừa tổng kết rút kinh nghiệm nên các văn bản quy định mang tính pháp lý của Đảng và Nhà nước còn thiếu, ban hành chậm và chưa đồng bộ như: chưa có
quy định thống nhất về mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, mô hình công ty mẹ - công ty con; việc phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ chưa rõ, nhất là phối hợp trong công tác quản lý cán bộ; việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, đặc biệt là ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng và đảng viên; quy định chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp; việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng; việc quy định đảng viên tham gia làm chủ doanh nghiệp tư nhân... gây nên sự lúng túng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hai là, kinh tế thị trường và cơ chế thị trường ngoài tính ưu việt còn chứa đựng những khuyết tật vốn có của nó, mà trong quá trình vận hành có thể tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống - xã hội. Điều đó đặt ra hàng loạt vấn đề cho các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị cần phải giải quyết trên bình diện rộng và phải có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và không thể giải quyết nhanh chóng được trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, những tác động của mặt trái của kinh tế thị trường và cơ chế thị trường cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động và chủ doanh nghiệp. Từ đó có tác động chi phối đến các hoạt động của công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và việc tạo nguồn phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Ba là, sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có sự tác động lớn đến các đảng cộng sản, tới vị trí, vai trò, phương thức lãnh đạo và bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Sự chống phá trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa đế quốc cấu kết với các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đối với cách mạng nước ta hòng làm suy yếu và dần dần nhằm thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng. Những khuyết điểm, yếu kém trong công tác lãnh đạo của Đảng chậm được khắc phục, đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là ở một số người có chức, có quyền đã và đang xảy ra với xu hướng, tính chất, mức độ rất nghiêm trọng ; tình trạng quan liêu, độc đoán, gia trưởng, mất dân chủ vẫn còn diễn ra trên một diện rộng, làm suy giảm niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước ta.
Bốn là, Phú Thọ là một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, sức ép về việc làm và thu nhập của người lao động đang là những vấn đề
mang tính thời sự; là mối quan tâm của các cấp, các ngành và của một bộ phận lớn dân cư trong tỉnh; sự chênh lệch quá lớn về thu nhập và đời sống giữa những người đang cùng làm việc trong doanh nghiệp đã có những tác động rất lớn đến đội ngũ những người lao động trong doanh nghiệp, tạo ra sự phân tầng xã hội và có nguy cơ dẫn đến phân cực xã hội. Do có những tác động tiêu cực trên làm cho một bộ phận người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước bị phân hóa, gây nên tâm lý tự ty, mặc cảm, thiếu tự tin. Vì vậy, một số không nhỏ người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu chỉ quan tâm đến việc làm và thu nhập mà ít quan tâm đến các vấn đề chính trị, thời sự, công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp và ngay cả quyền lợi chính trị của chính bản thân người lao động.
Năm là, các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Phú Thọ được ra đời và phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, nhưng nhìn chung đều có quy mô nhỏ, dây truyền công nghệ lạc hậu, sử dụng ít lao động hoặc lao động là người trong gia đình, họ tộc, là người địa phương. Do vậy, thực chất phần nhiều các doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ là những hộ kinh doanh cá thể, quy mô nhỏ lẻ, không đủ điều kiện theo quy định để thể thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong hệ thống chính trị của doanh nghiệp. Điều kiện hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn cả về thời gian, kinh phí và cơ chế hoạt động. Chủ yếu còn phụ thuộc vào quan điểm, thái độ, sự quan tâm của chủ doanh nghiệp; doanh nghiệp nào có chủ doanh nghiệp là đảng viên thì công tác đảng, đoàn thể, công tác phát triển đảng viên có điều kiện thuận lợi hơn, ngược lại thì gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cấp uỷ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đều là cán bộ kiêm nhiệm, nên việc đầu tư thời gian cho công tác đảng còn hạn chế; chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác đảng cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa có tác dụng động viên, khích lệ cán bộ chuyên tâm vào nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
* Nguyên nhân chủ quan:
Một là, một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức sâu sắc vị trí nền tảng, tầm quan trọng của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và công tác phát triển đảng viên mới. Chưa bám sát quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các tổ chức, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp và
tình hình thực tế của doanh nghiệp để xây dựng quy chế làm việc. Nội dung quy chế còn sơ sài, hình thức, thiếu cụ thể, nhất là mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng với hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp. Do đó, rất khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả công tác phát triển đảng viên.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác giáo dục chính trị tư tưởng của một số cấp ủy chưa được coi trọng đúng mức; việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của cấp trên còn chậm và thiếu cụ thể. Vì vậy, nhiều chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các văn bản, quy định mới về các lĩnh vực công tác đảng, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, luật pháp .v.v. không đến được với doanh nghiệp dẫn đến nhiều cấp ủy đảng, chủ doanh nghiệp còn thiếu những kiến thức cơ bản về pháp luật, về lãnh đạo quản lý doanh nghiệp. Việc truyên tuyền, vận động chủ doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải thành lập các tổ chức trong hệ thống chính trị của doanh nghiệp, về công tác phát triển đảng viên. Do đó, chủ doanh nghiệp chưa quan tâm tạo điều kiện ủng hộ để thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Mặt khác, một bộ phận đảng viên và quần chúng trong các doanh nghiệp chưa thiết tha với các hoạt động công tác đảng, đoàn thể và chưa tích cực phấn đấu để được kết nạp vào Đảng
Ba là, việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể ở một số cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; tổ chức đảng chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng còn phụ thuộc nhiều vào thái độ của chủ doanh nghiệp; phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn chung chung, thiếu tầm nhìn chiến lược, kế hoạch và biện pháp cụ thể, do đó lúng túng trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Chất lượng hoạt động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn thấp; nội dung sinh hoạt đảng còn sơ sài, thiếu toàn diện; tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình yếu; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, phân công nhiệm vụ đối với đảng viên không cụ thể. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong nhiều doanh nghiệp còn rất mỏng và chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên thiêú kinh nghiệm về hoạt động đảng,
đoàn thể. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng cảm tình đảng, phát triển đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa thực sự được coi trọng.
Năm là, công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đối với hoạt động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế và bất cập. Tình trạnh phổ biến hiện nay là ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư toàn quyền chịu trách nhiệm về thẩm định, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trên cơ sở hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân mà chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan, nhất là địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở giao dịch. Do đó, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước được thành lập nhưng trên thực tế không đủ điều kiện để hoạt động như ngành nghề sản xuất kinh doanh như đã đăng ký như: không có mặt bằng sản xuất, không đủ năng lực tài chính, không có nguồn nhân lực để thực hiện...