C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định, giai cấp công nhân phải xây dựng một chính đảng có tổ chức thống nhất, độc lập và phải "biến các chi bộ thành trung tâm và hạt
nhân của các hiệp hội công nhân trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trên lĩnh vực tổ chức và xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân" [44, tr.348].
Để thực hiện được sứ mệnh của mình, các đảng cộng sản phải tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức và lực lượng xã hội xung quanh Đảng. Phải không ngừng tăng cường phát triển đảng viên, xây dựng các chi bộ từ nông thôn đến thành phố, trong tất cả các làng mạc, địa phương, nhà máy, công xưởng. C. Mác và Ăngghen chỉ rõ, đảng viên của Đảng trước hết phải là những người ưu tú nhất của giai cấp, có ý thức giác ngộ chính trị cao, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, giàu ý trí nghị lực và khả năng sáng tạo, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, mỗi đảng viên mạnh sẽ tạo nên sức mạnh của Đảng. Do đó, muốn nâng cao sức mạnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nhất thiết phải quan tâm đến nâng cao chất lượng đảng viên, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên nhằm bổ sung và tạo nguồn sinh lực mới cho Đảng.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của đảng cộng sản và đội ngũ đảng viên đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, nên Quốc tế I phân công C. Mác và Ph. Ăngghen thảo ra Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với phương châm hành động "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại !". Chính C. Mác và Ph. Ăngghen là những người sáng lập nên tổ chức cộng sản đầu tiên trên thế giới mang tên "Đồng minh những người cộng sản" được thành lập năm 1847.
Điều lệ của "Đồng minh những người cộng sản" đã nêu rõ những quan điểm tư tưởng, nguyên tắc hoạt động của Đảng. Đó là, Đảng phải là một đội ngũ có tổ chức chặt chẽ; các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải được bầu cử một cách dân chủ và họ có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào nếu hộ không hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức giao cho; Đảng phải là khối thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Những tư tưởng cách mạng của C. Mác và Ph. Ăngghen về chính đảng của giai cấp công nhân đã có ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không những ở trong giai đoạn lịch sử đó, mà còn là phương châm hoạt động cách mạng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như các chính Đảng Cộng sản trên toàn thế giới sau này.
V.I Lênin đã kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph. Ăngghen, đồng thời phân tích một cách toàn diện những nguyên lý tư tưởng và tổ chức của một dảng kiểu mới của giai cấp vô sản, về tuyên truyền phát triển đảng viên, nhằm củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Ngay trong tác phẩm của Lênin được viết trước Cách mạng Tháng Mười Nga, Người cho rằng các nhà máy, công xưởng nơi tập trung giai cấp công nhân là thành trì của cách mạng. Do vậy Đảng phải thiết lập cơ sở của mình tại đây và xác định "nhóm những nhà cách mạng - công nhân nhất định cũng phải là hạt nhân và người lãnh đạo"[24, tr.17].
Với thiên tài đặc biệt, Lênin đã đề ra luận điểm nổi tiếng: Hãy cho tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ lật bẩy cả nước Nga lên. Lênin nhiều lần nhấn mạnh "Sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức. Không tổ chức quần chúng thì giai cấp vô sản không là cái gì hết. được tổ chức, giai cấp vô sản sẽ là tất cả"[27, tr.163]. Và trên thực tế đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan của luận điểm trên. Đồng thời Lênin chỉ rõ phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng, xác định rõ vai trò lãnh đạo của các tiểu tổ công nhân, sau này phát triển thành các chi bộ cơ sở nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư của Đảng Bôn sê vích Nga. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng đã trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng. Để làm rõ hơn vai trò của tổ chức cơ sở đảng, Lênin đã chỉ rõ
Những chi bộ ấy liên hệ chặt chẽ với nhau và với Trung ương Đảng, phải trao đổi kinh nghiệm lẫn cho nhau, phải làm công tác cổ động, phải thích nghi với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với tất cả mọi loại và mọi tầng lớp quần chúng lao động, những chi bộ ấy phải thông qua công tác muôn hình, muôn vẻ đó mà rèn luyện bản thân mình, rèn luyện đảng, giai cấp, quần chúng một cách có hệ thống [30, tr.232-233].
Vai trò của tổ chức cơ sở đảng càng quan trọng khi Đảng tập trung lãnh đạo đất nước Xô viết thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế, đặc biệt là giai đoạn triển khai thực hiện chính sách kinh tế mới. Lênin cho rằng: để giành được thắng lợi trong bước chuyển biến chiến lược này, các tổ chức cơ sở đảng có vai trò hết sức to lớn. Vì vậy, Lênin yêu cầu các chi bộ của Đảng phải là những pháo đài trên mặt trận này và phải có trách nhiệm "đem hết sức lực, đem hết sự chú ý để tạo ra, để phát huy một tính chủ động lớn hơn ở cơ
sở" [32, tr.279]. Đồng thời, Người khẳng định rằng, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, giác ngộ quần chúng, tăng cường công tác phát triển đảng viên, thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao vai trò của tổ chức cơ sở đảng, không ngừng phát huy tính chủ động sáng tạo ở cơ sở thì những mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới của Nhà nước Xô viết mới giành được thắng lợi.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, các đảng cộng sản trên thế giới luôn luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên nhằm xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng, coi đó là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trên cả phương diện lý luận cũng như trong thực tiễn lãnh đạo của Đảng. Như vậy, quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học như C. Mác, Ph. Ăngghen, V. Lênin về công tác phát triển đảng viên, củng cố và nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng không những chỉ thể hiện trong các di sản về lý luận, mà còn được chứng minh qua hoạt động thực tiễn của các đảng cộng sản và của chính các ông. Những chỉ dẫn của C. Mác, Ph. Ăngghen, V. Lênin và kết quả, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của phong trào cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới đã trở thành định hướng cho các đảng cộng sản trong việc lãnh đạo công tác phát triển đảng viên, xây dựng và củng cố các tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm cho các tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mỗi đảng viên và của từng tổ chức cơ sở đảng, mỗi đảng viên mạnh sẽ làm cho tổ chức cơ sở đảng mạnh, các tổ chức cơ sở đảng mạnh sẽ làm cho Đảng thực sự lớn mạnh, bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh chính trị của mình là lãnh đạo giai cấp vô sản đấu tranh giành thắng lợi. Đây là quan điểm có ý nghĩa cực kỳ to lớn, không chỉ trong giai đoạn Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền mà cả trong thời kỳ Đảng lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, chống thù trong, giặc ngoài. Những nguyên lý và luận điểm đó của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin về công tác phát triển đảng viên, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho các đảng cộng sản trên toàn thế giới.
Kế thừa những tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, xác định rõ về bối cảnh lịch sử của Đất nước, về phong trào cách
mạng của quần chúng nhân dân nên đã rất chú trọng quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, xây dựng các chi bộ cộng sản ở các địa phương, trong các nhà máy, công xưởng. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng đi theo Đảng, ủng hộ Đảng, tự nguyện phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Quan điểm của Người thật giản dị mà sâu sắc, dễ hiểu và dễ lay động đi vào lòng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, việc phát triển đảng viên, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng cũng như việc làm nhà, muốn làm nhà cho tốt phải xây dựng nền móng cho tốt. Do đó, các chi bộ phải là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt; để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng thành công thì Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do nhiều chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do nhiều đảng viên tốt. Người nói "Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương" [40, tr.23]. Đồng thời, Người thường xuyên nhắc nhở các cấp bộ đảng phải đặc biệt chăm lo xây dựng các chi bộ của Đảng, bởi vì " Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng, chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng được thực thi tốt, mọi công việc được đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy" [40, tr.161]. Người nhắc nhở mỗi đảng viên của Đảng cần thấy rõ vinh dự, đồng thời thấy được trách nhiệm của mình đối với Đảng và đối với nhân dân "Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy" [35, tr.550].
Đối với công tác phát triển đảng viên, Người căn dặn
Đảng ta luôn luôn phát triển, phải có đảng viên cũ, cũng phải có đảng viên mới. Có như vậy, Đảng mới càng ngày càng mạnh, mới làm tròn nhiệm vụ to lớn và vẻ vang của mình. Cho nên nhiệm vụ của đảng viên cũ là phải thương yêu, dìu dắt và giúp đỡ đảng viên mới cùng tiến bộ. Đảng viên mới thì cần phải thương yêu đảng viên cũ, học tập kinh nghiệm công tác và tinh thần phấn đấu của đảng viên cũ, để ngày càng tiến bộ thành người đảng viên tốt. Cũ
và mới phải thật thà đoàn kết, nhất trí, cùng nhau ra sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân [37, tr.318].
Có như vậy mới đảm bảo góp phần xây dựng Đảng thật sự vững mạnh, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lớn lao là lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong tất cả các giai đoạn cách mạng của dân tộc.
Tổng kết bài học thành công và chưa thành công trong thực tiễn xây dựng Đảng, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã rút ra bài học hết sức sâu sắc và bổ ích, đó là: "Những thành tựu đã đạt được, những tiềm năng được khai thác, những kinh nghiệm có giá trị đều bắt nguồn từ sự nỗ lực phấn đấu của quần chúng ở cơ sở mà hạt nhân là tổ chức đảng. Nhưng mặt khác, sự yếu kém của nhiều tổ chức cơ sở đảng đã hạn chế những thành tựu của cách mạng" [3, tr.141].
Với phương châm xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trên mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội, hoàn thành thắng lợi công cuộc đổi mới Đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta là nhiệm vụ có tính sống còn của Đảng. Trong đó việc củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, tăng cường công tác phát triển đảng viên gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Do đó, các Đại hội Đảng toàn quốc khóa VII, VII, IX luôn luôn đặt vấn đề phải đổi mới và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ phải đặc biệt coi trọng củng cố các tổ chức cơ sở đảng, nhất là các tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, miền núi, trong các đơn vị sản xuất kinh doanh; Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã dành riêng một báo cáo để kiểm điểm, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, đánh giá khái quát về tình hình Đảng và công tác xây dựng Đảng qua 20 năm đổi mới; xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giái pháp nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, phần về công tác phát triên đảng viên, Đại hội khẳng định "Công tác phát triển đảng viên được quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả, nhất là ở những vùng trọng yếu, những nơi có ít hoặc chưa có đảng viên" [15, tr.266]. Tuy nhiên Đại hội cũng khẳng định về những tồn tại, hạn chế trong công tác kết nạp đảng viên, xây
dựng tổ chức cơ sở đảng ở một số thôn bản vùng sâu, vùng xa, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần phải nhanh chóng có biện pháp khắc phục.
Để phát huy những mặt tích cực, đồng thời từng bước hạn chế những khuyết tật của nền kinh tế thị trường và cơ chế thị trường nêu trên, giúp cho các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động đúng hướng, đúng pháp luật thì cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Muốn làm được điều đó thì nhất thiết phải làm cho cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động, nhất là chủ doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để từ đó mọi người có ý thức tự giác và nghiêm túc thực hiện. Chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng và củng cố các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp, bảo đảm mỗi tổ chức cơ sở đảng thực sự là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo trong các hoạt động của doanh nghiệp.
1.2.2. Đặc điểm về tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Phú Thọ