Các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Phú Thọ chủ yếu được ra đời trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhất là sau khi có một số văn bản luật quy định về tổ chức bộ máy, hướng dẫn hoạt động của các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước như: Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân (tháng12-1990); Luật sửa đổi một số điều của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp...
Trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm số lượng lớn nhất, tiếp đến là công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Phú Thọ có một số điểm khác nhau về tên gọi, quy mô, hình thức sở hữu, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Phú Thọ có một số đặc điểm chủ yếu như sau:
Thứ nhất, về nguồn gốc của các doanh nghiệp khá đa dạng, một số lượng lớn doanh nghiệp ngoài nhà nước được phát triển đi lên từ kinh tế hộ, một số doanh nghiệp được chuyển đổi từ các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trước đây hoặc sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và một số doanh nghiệp được thành lập mới.
Thứ hai, đa số các doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô nhỏ và vừa, có số vốn điều lệ ít, sử dụng lao động rất hạn chế; trừ một số doanh nghịêp nhà nước lớn (hạng 1,
hạng 2) sau khi thực hiện cổ phần doanh nghiệp hoặc liên doanh với nước ngoài mà nhà nước không nắm cổ phần chi phối còn có số lượng lao động tương đối nhiều.
Thứ ba, ngành nghề sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tương đối đa dạng, song chủ yếu tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng và công nghiệp nhẹ. Hầu hết các doanh nghiệp phát triển theo hướng sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực mà chưa có sự tập trung đầu tư chuyên sâu vào một lĩnh vực ngành nghề nhất định.
Thứ tư, chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước có đủ các thành phần, nghề nghiệp, giới tính, độ tuổi, dân tộc; có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên; có người là cán bộ công chức nhà nước, lực lượng vũ trang, công nhân đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động nhưng cũng có người chưa từng thoát ly công tác...
Thứ năm, lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước có số lượng, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật không đồng đều. Có doanh nghiệp sử dụng khá đông lực lượng lao động xã hội, nhưng nhiều doanh nghiệp hầu như không sử dụng lao động bên ngoài mà chủ yếu là lao động trong gia đình (giống mô hình kinh tế hộ). Một số doanh nghiệp lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật khá cao như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhưng có doanh nghiệp sử dụng hầu hết là lao động phổ thông, vừa làm vừa đào tạo tại chỗ như các doanh nghiệp ngành dệt may, xây dựng, chế biến chè.
Thứ sáu, các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã thu hút một số lượng khá lớn vốn và lao động vào sản xuất - kinh doanh; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người lao động và góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.