Giúp người sau cai nghiện thay đổi nhận thức và hành vi, trang bị cho họ những kỹ năng mới trong việc xử lý tình huống có nguy cơ cao để vượt qua được những triệu chứng báo hiệu giai đoạn tái nghiện. Vì vậy công tác phòng chống tái nghiện sau cai trước hết phải tạo ra sự thay đổi trong lối sống nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng bất kỳ hợp chất gây nghiện nào, sau đó là tăng cường những hoạt động lành mạnh ở người sau cai kết hợp với trang bị cho họ tinh thần và kỹ năng đối phó với những tình huống nguy cơ cao:
+ Vai trò quản lý đặc biệt là gia đình, người thân: ngoài gắn bó, gần gũi khích lệ động viên, còn cần phải quản lý thật chặt chẽ trên cơ sở được trang bị những kỹ năng quản lý và có các biện pháp can thiệp khi cần thiết. Gia đình giữ vai trò là chỗ dựa về tinh thần giúp người sau cai ổn định tâm lý, tự tin tiếp cận các dịch vụ việc làm.
+ Giúp người sau cai nghiện tự xây dựng được kế hoạch sinh hoạt cho riêng bản thân: giờ ăn ngủ, làm việc, giải trí…Từ kế hoạch của bản thân họ thì gia đình, cán bộ trợ giúp cộng đồng tiến hành giám sát, đồng thời khuyến khích giúp họ thực hiện nghiêm túc có hiệu quả kế hoạch đó. Đây chính là biện pháp giúp họ xây dựng những kỹ năng cho một lối sống điều độ, có trách nhiệm với cuộc sống, ý thức trong lao động tự nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
+ Vận dụng mọi điều kiện giúp họ có được trình độ kiến thức cơ bản một nghề hay một việc làm, cho họ có được thu nhập từ lao động của bản thân và dần dần tự phấn đấu để nâng cao đời sống.
+ Cung cấp cho người sau cai nghiện những kiến thức, kỹ năng sinh tồn, giúp họ có thể hoạt động bình thường trong cộng đồng và tự tin tiếp cận các dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm và tham gia tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp.
+ Đảm bảo cho người sau cai nghiện có 1 cơ sở, 1 tổ chức giúp đỡ tại cộng đồng (Câu lạc bộ sau cai, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên), mà đây là nơi họ tìm thấy sự trợ giúp khi cần thiết trong quá trình tìm việc làm để ổn định đời sống sau cai nghiện.
+ Cung cấp cho người sau cai nghiện một mạng lưới bảo an nơi mà họ có thể đến khi họ ức chế hay có nguy cơ tái sử dụng ma tuý do thất nghiệp chưa tìm kiếm được việc làm (người cán bộ tư vấn, cơ quan pháp luật chuyên ngành).
+ Giúp người sau cai nghiện được tham gia chương trình giáo dục dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tái hoà nhập cộng đồng.
+ Khích lệ, xây dựng mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội bền chặt trong cuộc sống của người sau cai nghiện. Từ tình cảm đó, nếu khéo giữ gìn sẽ nắm bắt tâm tư nguyện vọng, sự chán chường khi chưa có công ăn việc làm, động viên họ không sa vào tái sử dụng ma tuý, đồng thời người giám sát giúp đỡ cũng có được những thông tin trung thực.
+ Tạo điều kiện để họ có cơ hội tham gia và tham gia thường xuyên vào các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu, văn hoá văn nghệ, tham quan, píc níc lành mạnh.