Quang
Từ năm 1996, tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng quy trình cai nghiện theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2 là thời gian từ 1 đến 2 năm, đối tượng phải lao động tại công trường 06 và giai đoạn 3 là thời gian từ 2 năm trở lên, đối tượng phải lao động, làm việc tại cộng đồng có sự quản lý của gia đình, xã phường, cộng đồng nơi cư trú.
Công trường 06 (mỗi huyện thị thành lập 1 công trường) là nơi đối tượng được lao động và cách ly với môi trường xã hội còn nhiều tệ nạn ma tuý. Kinh phí giai đoạn 2 tại công trường 06 do người nghiện tự lao động sản xuất để đảm bảo mức ăn hàng ngày 20.000 đồng/ngày. Nếu giai đoạn đầu chưa đủ tiền ăn tỉnh cho ứng kinh phí trước, sau có thu nhập từ lao động thì hoàn trả. Với phương châm đủ việc làm, có thu nhập, thuận tiện cho công tác quản lý đối tượng, công trường đã tổ chức khai thác đá xây dựng, sản xuất gạch thủ công, đồ mộc dân dụng, làm đường giao thông. Ngoài ra còn chăn nuôi lợn, gà, cá và trồng rau xanh để cải thiện đời sống. Tỉnh đã cho các công trường vay tiền mặt làm vốn lưu động để duy trì sản xuất, đầu tư kinh phí mua công cụ lao động và các dụng cụ cho các hoạt động văn hoá, thể thao. Đặc biệt, tỉnh đã tạo điều kiện cho công trường bằng cách khuyến khích các cơ sở xây dựng đóng trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm của công trường.
Thời gian đầu, cơ sở vật chất các công trường 06 hầu như không có gì, đến nay các Công trường 06 đã từng bước được nâng cấp khang trang, tổ chức sản xuất được duy trì thường xuyên, đảm bảo được việc làm có thu nhập ổn định cho người nghiện, bảo toàn được vốn vay do tỉnh cấp. Có 05 công trường tổ chức khai thác đá, 01 công trường sản xuất gạch, một số công trường còn tổ chức làm mộc, đóng bàn ghế học sinh hoặc đồ gia dụng. Kết quả giá trị sản phẩm của các công trường làm ra (từ năm 2001 đến năm 2005): 10.104,342 triệu đồng. Thu nhập bình quân các công trường đạt từ 7.000 đến 10.000 đồng/người/ngày. Mặc dù các công trường 06 không có hàng rào bảo vệ nhưng hầu hết người cai nghiện đều yên tâm lao động, không trốn khỏi công trường, nhiều trường hợp đã hết thời gian cai nghiện tại công trường 06 theo quy định, được chuyển sang giai đoạn III nhưng vẫn xin ở lại công trường để tiếp tục lao động sản xuất và hưởng thu nhập mức 600.000 đồng/người/tháng.
Với mục đích tạo điều kiện cho đối tượng cai nghiện trở về cộng đồng tìm được việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, ngành lao động thương binh và xã hội đã chủ động phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức được 28 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 795 đối tượng đang cai nghiện tại công trường 06 (bao gồm các nghề thợ xây, mộc dân dụng, trồng nấm rơm…) với tổng kinh phí dạy nghề trên 100 triệu đồng. Tổ chức thẩm định xét duyệt 68 dự án vay vốn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của đối tượng đang cai nghiện ma túy với số tiền trên 500 triệu đồng; tạo việc làm cho trên 160 lao động có thu nhập ổn định. Qua kiểm tra đánh giá các dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích, một số dự án đã hoàn trả tiền gốc và lãi cho nhà nước.
Kho bạc tỉnh đã cho đối tượng cai nghiện ở giai đoạn III vay vốn để giải quyết việc làm. Đây là lĩnh vực rất khó khăn phức tạp mặc dù đa số gia đình đối tượng đã thực hiện cam kết bố trí công việc cho đối tượng khi về gia đình, tuy vậy vẫn có một số đối tượng không có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định. Sở lao động thương binh và xã hội đã báo cáo với tỉnh dành một phần vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (120) giúp 57 đối tượng vay vốn xây dựng dự án nhỏ với số tiền cho vay là 158 triệu đồng để mở các nghề cơ khí, sửa chữa xe máy, mộc may mặc, kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi.
Qua kiểm tra, nhiều dự án đã phát huy tác dụng, như xã ỷ la có người nghiện sau khi cai đã làm thợ xây kết hợp chăn nuôi lợn, sản xuất mộc hoặc khai thác cát sỏi ở xã Hưng Thành, thị trấn Tân Yên…nhiều người đã có cuộc sống khá ổn định.
Thực tế công tác tạo việc làm cho đối tượng sau cai của Tuyên Quang còn nhiều khó khăn, nan giải:
- Công trường 06 còn nhiều thiếu thốn, việc tiêu thụ sản phẩm về lâu dài gặp nhiều khó khăn, nhất là các công trường sản xuất đá.