Đối tượng tệ nạn xã hội (người nghiện ma tuý) là loại đối tượng đặc biệt. Nhà nước đã ban hành một hệ thống chế độ, chính sách liên quan đến dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng này. Nghị quyết 06/CP ngày 29 tháng 1 năm 1993 và Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về Cơ sở chữa bệnh, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH, 6 Nghị định và 1 Quyết định (Nghị định số 146/2004/NĐ-CP, Nghị định số 34/2002/NĐ-CP, Nghị định số 56/2002/NĐ-CP, Nghị định số 147/2003/NĐ-CP, Nghị định số 135/2004/NĐ-CP, Nghị định số 43/2005/NĐ-CP, Quyết định số 25/2002/QĐ-TTg) và 18 Thông tư của Bộ, Liên bộ đều xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, các Bộ, ngành có liên quan, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện công tác cai nghiện, chữa trị, phục hồi và thực hiện các biện pháp dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma tuý. Ví dụ: để triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đã hướng dẫn cụ thể trong các văn bản liên tịch như: Thông tư số 12/TTLB-LĐTBXH-TC ngày 16 tháng 5 năm 1997 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tài chính hướng dẫn chế độ trợ cấp cho người nghiện ma tuý tại các Cơ sở chữa bệnh…Theo các quy định của Nhà nước, người nghiện ma túy không những được chữa trị, cai nghiện, giáo dục, phục hồi, dạy nghề tại các Cơ sở chữa bệnh dành riêng cho các đối tượng này, mà còn được hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, được ưu tiên vay vốn để tạo việc làm tại gia đình; các cơ sở nhận số lao động là đối tượng này sẽ được xem xét, hỗ trợ đầu tư trên cơ sở đề án sản xuất…
Trong các văn bản chính sách, pháp luật của nhà nước đã ban hành về công tác cai nghiện phục hồi đều quy định nhiệm vụ dạy nghề, tổ chức lao động cho người cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện hay cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng. Luật phòng chống ma tuý (12/2000) quy định “Người đã cai nghiện ma tuý được chính quyền cơ sở, gia đình và các tổ
chức tiếp nhận, tạo điều kiện học nghề, tạo việc làm, vay vốn, tham gia các hoạt động xã hội để hoà nhập cộng đồng” (Điều 33) [45].
Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc triển khai Nghị quyết 16/2003/QH11:
+ Nghị định số 146/2004/NĐ-CP, ngày 19/7/2004 về “Quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý.
+ Tờ trình 06/TTr-CP ngày 3/7/2007 và Tờ trình 33/TTr-CP ngày 9/5/2007, trình Quốc hội cho phép được áp dụng một số chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai trong thời gian thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội.
+ Quyết định 212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006: Tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma tuý.
+ Thông tư số 05/2007/TT-BTC ngày 18/1/2007: Hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma tuý
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2006 về tín dụng đối với các doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện và sau đó ngày 19 tháng 01 năm 2007 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 05/2007/TT-BTC về hướng dẫn một số nội dung của Quyết định trên. Những văn bản trên đã thể hiện quan tâm của Trung ương đến Đề án sau cai nghiện của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về “Thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý” ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
Nhìn chung, chế độ, chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng nghiện ma tuý tương đối đầy đủ về chủ trương và biện pháp tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, để chính sách về vấn đề việc làm đối với đối tượng tệ nạn xã hội thực sự phát huy hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, Nhà nước cần đưa ra những giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn nhằm huy động
nhiều thành phần kinh tế tham gia tích cực trong việc giải quyết việc làm cho đối tượng tệ nạn xã hội đã hoàn lương.