Nguyên nhân chủ quan

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 65 - 66)

Thứ nhất, năng lực của cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng còn hạn chế. Các cơ quan này không chỉ thiếu trình độ quản lý để tổ chức soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn thiếu trình độ tham mưu, chưa khẳng định được vai trò của mình trong việc tư vấn, giúp chính quyền các cấp trong việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh tại địa phương.

Thứ hai, trình độ của cán bộ làm công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng chưa cao. Trình độ của đội ngũ công chức chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu trong công tác xây dựng pháp luật. Những cán bộ trực tiếp soạn thảo phần lớn là những người làm công tác chuyên môn về lĩnh vực đầu tư xây dựng, thiếu trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nên gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu pháp luật và kỹ thuật soạn thảo văn

bản. Còn đối với những cán bộ có bằng luật và không có bằng chuyên ngành thì lại thiếu kiến thức chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nên cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận những nội dung quản lý về đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, sự hiểu biết, khả năng phân tích chính sách, dự báo tác động của văn bản đối với đời sống kinh tế- xã hội, kiến thức về hội nhập, thương mại quốc tế... của một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu còn thiếu, trong khi đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi cán bộ vừa phải có khả năng lý luận, năm vững những vấn đề cơ bản về kỹ thuật và tư duy lập pháp lại vừa có năng lực thực tiễn, phát hiện và phân tích vấn đề để khái quát hoá thành những quy định áp dụng chung.

Thứ ba, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng còn bất cập. Việc lấy ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia liên quan trong quá trình soạn thảo văn bản và tổ chức tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo còn hạn chế, bất cập và hình thức. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhân dân chưa có cơ chế để tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nên chưa khai thác được trí tuệ cũng như phản biện xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có sự phối hợp, làm rõ, giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong thực tế và những quy định trong dự thảo. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thường gặp khó khăn trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề này, một số trường hợp chưa có trách nhiệm cao trong việc trả lời văn bản, trả lời chậm, thậm chí không trả lời. Ngược lại, tính cục bộ của cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn còn tồn tại, cơ quan chủ trì soạn thảo còn chú trọng bảo vệ lợi ích của cơ quan, đơn vị mình.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 65 - 66)