Quản lý đầu tư xây dựng là sự tác động liên tục, có tổ chức, định hướng, mục tiêu vào quá trình đầu tư xây dựng bằng một hệ thống đồng bộ các biện pháp kinh tế - xã hội, tổ chức kỹ thuật và các biện pháp khác nhằm đạt được kết quả và hiệu quả đầu tư cao nhất.
Quản lý đầu tư xây dựng bao gồm: quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng của chủ đầu tư. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ đầu tư có sự khác nhau cơ bản. Về thể chế quản lý, Nhà nước là chủ thể quản lý chung nhất hoạt động đầu tư xây dựng của đất nước còn chủ đầu tư là chủ thể quản lý hoạt động đầu tư xây dựng ở đơn vị mình. Về phạm vi và quy mô quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng của nhà nước là hoạt động ở tầm vĩ mô, bao quát chung còn quản lý đầu tư xây dựng của chủ đầu tư chỉ bó hẹp ở phạm vi từng tổ chức, cá nhân riêng lẻ. Quản lý nhà nước tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua pháp luật, các chiến lược, kế hoạch, định hướng..., còn chủ đầu tư được hoạt động trong môi trường và khuôn khổ pháp luật do nhà nước đặt ra. Về mục tiêu quản lý, quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu chủ yếu là bảo vệ các quyền lợi quốc
gia, bảo vệ những lợi ích chung nhất cho mọi thành viên trong cộng đồng còn quản lý của chủ đầu tư thì xuất phát chủ yếu từ lợi ích trực tiếp của mình. Về phương pháp quản lý, nhà nước quản lý vừa bằng quyền lực thông qua pháp luật vừa bằng các biện pháp kinh tế thông qua chính sách đầu tư còn chủ đầu tư quản lý bằng phương pháp kinh tế và nghệ thuật đầu tư. Quản lý nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát và kiểm tra còn chủ đầu tư là người bị quản lý và bị kiểm tra.
Chính bởi sự khác biệt nêu trên nên bằng công cụ pháp luật, nhà nước cũng định ra phạm vi quản lý của nhà nước và phạm vi quản lý của chủ đầu tư đối với hoạt động đầu tư xây dựng.
Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng và Luật Đầu tư bao gồm các công việc: (1) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các hoạt động đầu tư xây dựng; (2) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng; (3) Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng; (4) Quản lý chất lượng, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng; (5) Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động đầu tư xây dựng; (6) Hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư và giải quyết những vướng mắc, yêu cầu của nhà đầu tư; (7) Hướng dẫn, đánh giá hiệu quả đầu tư, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng; (8) Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong hoạt động đầu tư xây dựng; (9) Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động đầu tư xây dựng; (10) Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; (11) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Từ những nội dung này, tôi có thể khái quát nội dung quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng thể hiện trên ba mặt: xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng; tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng; xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, cụ thể như sau: