DỰNG Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI – YÊU CẦU CẤP BÁCH HIỆN NAY
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị của nước ta, là nơi tụ hội, tinh hoa, vẻ đẹp văn hoá của đất nước. Với lợi thế về vị trí địa lý - chính trị, lịch sử phát triển, Hà Nội luôn giữ vai trò quan trọng nhất của đất nước, có sức hút và tác động rộng lớn đối với quốc gia và khu vực Bắc bộ. Hà Nội đồng thời còn là hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Nếu nước Pháp tự hào có Thủ đô Pari, nước Mỹ tự hào có Thủ đô Washington... thì Việt Nam tự hào có Thủ đô Hà Nội. Mặc dù đất nước ta còn nghèo, chưa có tiềm lực kinh tế mạnh và cơ sở vật chất hiện đại như những nước phát triển nhưng việc xây dựng một Thủ đô văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc là công việc quan trọng cần phải làm.
Trong xu hướng hội nhập và phát triển, việc nâng cao vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội trên trường quốc tế là một nhu cầu tất yếu. Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH 12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, Hà Nội mở rộng có diện tích tự nhiên là 334.470,02 ha và dân số là 6.232.940 người. Thủ đô Hà Nội mở rộng được sáp nhập giữa Thành phố Hà Nội cũ với tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn- Hà Bình, chính vì vậy đã kéo theo nhiều sự biến động về kinh tế, xã hội, văn hoá... Hà Nội hiện nay ngoài những tồn tại của một đô thị nói chung còn có những tồn tại như:
Thứ nhất, về xã hội: Với mô hình công nghiệp hoá tập trung thì xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị khiến Hà Nội bị áp lực ngày càng tăng về mọi mặt: thiếu chỗ ở và trung tâm vui chơi giải trí, ách tắc giao thông, ô nhiễm… Bên cạnh đó là sự chênh
lệch khá lớn giữa các nhóm cư dâncủa Hà Nội với cư dân các địa phương mới sáp nhập về thu nhập, phong cách tiêu dùng, quan niệm sống và hưởng thụ…
Thứ hai, về môi trường: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội chậm được cải thiện và có xu hướng gia tăng.
- Chất lượng nước bốn sông thoát nước ở nội thành Hà Nội, bao gồm sông Hồng, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Tích bị ô nhiễm và xu thế tiếp tục bị ô nhiễm do nước thải hầu như chưa được xử lý và đổ thẳng ra sông, hồ. Tổng lượng nước thải sinh hoạt của Hà Nội hiện nay là xấp xỉ 500.000 m3/ngày, ngoài ra còn có nước thải sản xuất công nghiệp và dịch vụ khoảng từ 25.000-35.000 m3/ngày đêm. Dự báo đến năm 2020, mức ô nhiễm môi trường nước của các sông nội thành ở Hà Nội sẽ tăng gấp hai lần hiện nay nếu không có giải pháp hữu hiệu. Nước hồ nội thành đang bị ô nhiễm do nước thải và chất thải rắn bắt nguồn từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp đổ vào hồ. Thành phố đã thực hiện một số biện pháp cải thiện chất lượng hồ nhưng chủ yếu là xây dựng, cải tạo hệ thống cống thoát nước nhằm tách riêng nước mưa và nước thải để nước thải không đổ vào hồ, kè lại mép hồ, làm đường dạo ven hồ, nạo vét lòng hồ... Những việc làm này của Thành phố đã làm cho cảnh quan quanh hồ khang trang hơn nhưng về chất lượng nước hồ vẫn chưa được cải thiện. Mức ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm ở Hà Nội có nơi đã lên tới 40 lần so với mức độ cho phép. Ô nhiễm amôni (NH4
+
) cũng vượt mức cho phép 20-30 lần. Cùng với đó, tốc độ lún ở một số điểm trong Thành phố đã ở mức báo động.
- Chất lượng đất nông nghiệp vùng ngoại thành Hà Nội đã có dấu hiệu ô nhiễm về hoá chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng, đặc biệt là ba huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì. Hiện nay môi trường ngoại thành Hà Nội đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gia tăng phế thải. Phần lớn nguồn phế thải chưa được xử lý và đổ vào môi trường đất, nước mà hậu quả là môi trường đất, nước nông nghiệp trở nên ô nhiễm. Phế thải công nghiệp, phế thải sinh hoạt, hoá chất nông nghiệp tồn dư đi vào nước, không khí rồi tích tụ trong đất, làm cho đất bị thoái hoá, làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là rau xanh sản xuất trên khu vực đất bị ô nhiễm rất có thể trở thành độc hại cho người sử dụng.
- Môi trường không khí ở khu vực nội thành Hà Nội bị ô nhiễm theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: nặng nhất là khu Thượng Đình, tiếp theo là Mai Động, các khu vực khác xung quanh các nhà máy như: dệt kim Thăng Long, giấy Trúc Bạch... Ngoài ra, ô nhiễm bụi, khí thải cao do hoạt động giao thông nội thị tại nhiều tuyến đường như vành đai II, III, Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Giải Phóng, Vĩnh Tuy... Khu dân cư và huyện ngoại thành Hà Nội đang gia tăng ô nhiễm không khí do lượng khí thải lớn từ các phương tiện giao thông làm xâm hại nghiêm trọng đến chất lượng không khí Hà Nội. Ô nhiễm bụi tại Hà Nội và một số nơi đã gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép.
- Hệ sinh thái làng bao gồm các không gian xanh từ cánh đồng lúa, cây trồng trong từng mảnh vườn khu dân cư… đang bị chia nhỏ, bán đất thổ cư, bán đất nông nghiệp, các khu mặt nước như ao, đầm, kênh, mạch nước… bị san lấp để xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trong lành.
Thứ ba, về tình hình đầu tư xây dựng: Việc đầu tư xây dựng còn thiếu kiểm soát, thiếu quy hoạch, tình hình thu hút đầu tư không tập trung, sử dụng đất đai và các nguồn lực đầu tư còn lãng phí. Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thiếu kế hoạch, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, dẫn đến sự lãng phí lớn, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Tình hình vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng vẫn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng.
Thứ tư, về tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng: Bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng còn bất cập, trình độ, năng lực công tác và phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nay lại thêm việc sáp nhập, Thành phố Hà Nội cũ và tỉnh Hà Tây cũ tồn tại hai hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng tương đương. Đồng thời, đội ngũ thanh tra xây dựng ở địa phương còn mỏng và thiếu, đặc biệt đối với các địa bàn mới sáp nhập. Vì đội ngũ thanh tra xây dựng ở những địa bàn này còn thiếu cấp quận, huyện, phường xã do việc cho phép thành lập thanh tra xây dựng ở cấp quận, huyện, phường xã mới chỉ được áp dụng thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 87/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm, về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng: Tồn tại bốn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng điều chỉnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội (bao gồm các địa bàn Hà Nội cũ, Hà Tây cũ, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn- Hoà Bình).
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời nhằm nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trong hội nhập, giữ vai trò đô thị quan trọng của cả nước, có sức hút và tác động với khu vực thì việc quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng là yêu cầu cấp bách hiện nay đối với Thủ đô Hà Nội.