Bài học kinh nghiệm đối với công tác quản lý quy hoạch xây dựng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 47 - 49)

Thông qua tóm tắt một số kinh nghiệm về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị của một số nước trên thế giới có thể thấy như sau:

- Các vấn đề trong Luật Quy hoạch đô thị của một số nước được quy định một cách tổng quát, xuyên suốt cả quá trình quy hoạch từ nguyên tắc, lập quy hoạch đến khi quy hoạch được triển khai trên thực tế; một số nội dung chính được đề cập bao gồm: Các nguyên tắc, định nghĩa chung; phân loại đô thị (phân loại đơn giản theo dân số); Hội đồng quản lý quy hoạch; phân loại, trình tự, nội dung lập quy hoạch; các loại hình quy hoạch đặc thù theo tính chất; yêu cầu, nội dung, trình tự thẩm định, phê duyệt quy hoạch; điều chỉnh, huỷ bỏ quy hoạch; đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi, truất hữu đất; triển khai thực hiện quy hoạch (bao gồm cơ chế hỗ trợ và khuyến khích thực hiện quy hoạch); nguồn vốn, tài chính đô thị; chế tài xử lý

- Hệ thống Luật Quy hoạch đô thị của các nước rất đa dạng, tuỳ thuộc theo cấu trúc Chính phủ, thể chế, xã hội... Tuy nhiên có thể rút ra 02 xu hướng về phân loại quy hoạch:

+ Một là, phân loại quy hoạch theo tính chất: Loại hình quy hoạch theo tính chất phát triển đô thị mới, quy hoạch cải tạo chỉnh trang đô thị cũ, quy hoạch các khu đặc thù...; các loại hình quy hoạch này được thực hiện thông qua các công cụ quy hoạch: đó

là quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch cấu trúc, quy hoạch cấu trúc chiến lược, quy hoạch chi tiết...

+ Hai là, phân loại quy hoạch theo quy mô: Loại hình quy hoạch theo quy mô, phủ kín từ khu vực lớn đến nhỏ thông qua quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết (như hệ thống quy hoạch của Việt Nam); các loại hình quy hoạch này được áp dụng chung cho các tính chất đô thị: đô thị mới, tái phát triển đô thị cũ, khu kinh tế tổng hợp, khu vực đặc thù...

Như vậy, có thể thấy hệ thống quy hoạch Việt Nam đang theo hướng 2 là chủ đạo. Việc chỉ quy định những yếu tố chung mà không cụ thể tới từng tính chất như hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay là chưa đủ.

Các phương pháp nghiên cứu quy hoạch trên thế giới rất đa dạng thông qua các loại đồ án quy hoạch như: quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng thể, quy hoạch cấu trúc chiến lược, quy hoạch cơ bản... Tuy nhiên đây chỉ là những công cụ để thể hiện định hướng quy hoạch cho sự phát triển một đô thị. Các công cụ quy hoạch này có thể sử dụng cho bất kỳ loại hình đô thị nào, nhưng mỗi loại hình cần có những yêu cầu và mục tiêu cụ thể riêng.

Trên quan điểm như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam mới chỉ tập chủ yếu vào các công cụ quy hoạch mà chưa đưa ra những yêu cầu riêng biệt cho từng tính chất đô thị một cách đa dạng. Đặc biệt, đối với những nước đang phát triển có tốc độ đô thị hoá cao, vấn đề phát triển đô thị mới, cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu là những vấn đề bức xúc kéo dài trong hàng chục năm tới và cần đưa ra những quy định cụ thể.

Ngoài ra, Chương 2 của Luật Xây dựng về vấn đề quy hoạch xây dựng còn tập trung nhiều vào các loại đồ án quy hoạch xây dựng; các vấn đề về việc thu hồi giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, tài chính cũng như cơ chế hỗ trợ khuyến khích triển khai thực hiện quy hoạch chưa được coi là một phần của quá trình quy hoạch đô thị.

Việc lấy ý kiến nhân dân khi lập quy hoạch xây dựng là rất quan trọng, hình thức lấy ý kiến rất khác nhau. Luật pháp các nước đều đưa ra các nguyên tắc để cộng đồng tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện quy hoạch. Với mục đích quy

hoạch để phục vụ nhân dân nên việc phát triển quy hoạch đô thị nói chung - từ khâu xây dựng pháp luật tới lộ trình quy hoạch, thực hiện quy hoạch và xây dựng - ở hầu hết các quốc gia phát triển như Anh, Pháp... đều rất thành công do có sự thống nhất cao từ Chính phủ, Bộ, ngành và hợp lòng dân.

Do vậy, việc ban hành một Luật Quy hoạch đô thị của Việt Nam trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những quy định tại Chương 2 của Luật Xây dựng và tiếp thu kinh nghiệm về quản lý quy hoạch đô thị của một số nước trong khu vực và thế giới là cần thiết.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 47 - 49)