Kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 44 - 47)

Thứ nhất, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô ở Singapore

Tại Singapore, ngay sau khi nước này tách khỏi Malaysia, chương trình xây dựng và phát triển đô thị đã được xây dựng. Song song với việc thực hiện xây dựng Thành phố theo bản đồ quy hoạch Ringconcept Plan năm 1971 (tạm dịch là Quy hoạch vành đai), tháng 4 năm 1974, Bộ Phát triển quốc gia Singapore quyết định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý trật tự xây dựng đô thị độc lập (URA), Chính phủ Singapore đã soạn thảo và trình Quốc hội phê chuẩn một bộ luật riêng dành cho cơ quan này.

Trách nhiệm hàng đầu của URA là giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt ở mức vĩ mô như mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng. Cơ quan URA ban hành Tiêu chuẩn quản lý dự án xây dựng Singapore năm 2005 và phát hành một cuốn Quy định tiêu chuẩn riêng dùng để quản lý và thiết kế hệ số sử dụng đất cho từng trường hợp cụ thể tuỳ theo phân loại và hình thức nhà ở.

Để xây dựng đô thị vươn lên tầm cao mới trong kỷ nguyên mới và xứng đáng đẳng cấp thế giới, Chính phủ Singapore tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích sự tham gia của công chúng ngay từ khi bắt đầu lập quy hoạch. Chính vì thế, mức độ thống nhất của nhân dân với bản quy hoạch đô thị (Concept Plan 2001 và Master Plan 2003) là rất cao.

Thứ hai, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô ở Malaysia

Kuala Lumpur - Thủ đô của Malaysia với toà tháp đôi Petronas 452m, cao thứ nhì thế giới, quảng trường Merdeka với cột cờ cao nhất thế giới …trở nên quá chật chội, không còn là biểu tượng của sự phồn vinh khi người Malaysia quyết định xây dựng Thủ đô mới: Putrajaya – Thành phố thông minh, Thủ đô điện tử đầu tiên của Đông Nam Á. Người đưa ra ý tưởng xây dựng Putrajaya không ai khác hơn là Thủ tướng Mahathir của Malaysia. Đầu tiên, ông đưa ra tên gọi cho Putrajaya là “intelligent city” - (thành phố thông minh), nhưng sau đó được triển khai xây dựng theo ba ý tưởng mang tính gắn kết sự thông thái của con người, tạo hoá và thiên nhiên. Putrajaya không đi theo hướng siêu đô thị mà dự kiến chỉ có khoảng 300.000 cư dân.

Theo ngôn ngữ Malaysia, Putra có nghĩa là hoàng tử và Jaya là hoàn hảo, PutraJaya nghĩa là vị hoàng tử hoàn hảo sống giữa rừng xanh. Người dân ở Putrajaya được sống như trong rừng với 40% diện tích thành phố dành cho cây xanh, bóng mát.

Từ năm 1995, Malaysia đã bắt đầu khởi công xây dựng Putrajaya, vốn là một vùng đất hoang vu, không có sông ngòi, cây xanh nằm cách Kuala Lumpur khoảng 30km về phía Nam. Do đợt khủng hoảng kinh tế năm 1997 nên việc xây dựng bị gián đoạn nhiều năm và chỉ mới được khởi động lại từ đầu năm 2000.

Vòng quanh thành phố Putrajaya là một con sông và vắt ngang nó là chín cây cầu dây văng, từ hình tượng con thuyền căng buồm ra khơi, đến mái vòm, tháp chuông... cực kỳ ấn tượng và bên cạnh đó là hàng trăm toà nhà với kiến trúc Hồi giáo pha lẫn hiện đại.

Bên ngoài quảng trường, dọc theo đại lộ Putra, trục xương sống của thành phố hai bên là những toà dinh thự, công sở khổng lồ nhưng không cảm thấy ngột ngạt vì được phủ xanh bóng cây, ngay cả lối xuống cầu thang cuốn vào khu trung tâm thương mại gắn máy điều hoà bên sông, cũng được trồng hoa, cây xanh bên trong. Các khu vực chính phủ, thương mại, văn hóa, phức hợp, vui chơi được thiết kế theo màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Riêng khu vực ngoại vi, những toà nhà cao tầng với sức chứa 67.000 căn hộ cao cấp đang được hối hả xây dựng để đón những cư dân mới về đây làm việc và sinh sống. Hiện nay văn phòng thủ tướng và nhiều bộ, một số toà đại sứ đã chính thức chuyển về đây làm việc. Người ta hi vọng đến năm 2010, việc xây dựng sẽ hoàn thành với tổng trị giá ước tính hơn 8 tỉ USD, và khi đó Putrajaya sẽ chính thức trở thành thủ đô mới của Liên bang Hồi giáo Malaysia.

Thứ ba, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô ở Hàn Quốc

Thủ đô Seoul hiện đang là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của Hàn Quốc, là một trong số 20 Thành phố đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, người ta dự báo rằng trong khoảng 20-30 năm nữa, Seoul sẽ không còn đủ sức theo kịp tốc độ phát triển của Hàn Quốc. Vì vậy, tháng 12 năm 2003, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua đạo luật đặc biệt về xây dựng thủ đô hành chính mới. Một Uỷ ban đặc biệt được thành lập gồm 30 thành viên, trong đó, 13 người do Chính phủ, Quốc hội bổ nhiệm, 17 cá nhân xuất sắc còn lại được Tổng thống bổ nhiệm từ các thành phần trong xã hội...

Sau hơn 3 tháng điều tra, trưng cầu dân ý, vùng Yeongi - Gongju (thuộc tỉnh Chungcheong) giành được số điểm cao nhất, 88,96 điểm, vượt qua 3 “ứng viên” khác để trở thành thủ đô hành chính mới thay Seoul. Dự án Thủ đô hành chính mới có lộ trình rõ ràng. Theo kế hoạch, giai đoạn xây dựng hạ tầng, công viên và các toà nhà Chính phủ được khởi công vào năm 2007 và hoàn tất vào cuối năm 2011. Quá trình di dời các văn

phòng và cư dân sẽ bắt đầu vào năm 2012. Thủ đô mới sẽ là nơi đặt 85 cơ quan hành chính đầu não của Chính phủ trung ương với 23.000 nhân viên. Vào năm 2020, khoảng 300.000 người sẽ sống tại Thủ đô mới, đến khi hoàn tất dự án vào năm 2030 dân số sẽ là 500.000 người. Sau khi chọn xong địa điểm, năm 2004 , kế hoạch dời đô và quy hoạch thủ đô hành chính mới chính thức được trưng bày rộng rãi tại toà thị chính Thủ đô Seoul, ai cũng có thể đến tham quan và góp ý kiến. Ngày 20/7/2007 (3 năm sau khi bắt đầu trưng cầu ý kiến), Chính phủ Hàn Quốc mới chính thức khởi công xây dựng thủ đô mới tại Yeongi - Gongju.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 44 - 47)