Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 27 - 29)

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, từng bước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở nền tảng cho việc quản lý nhà

nước bằng pháp luật. Điều này đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp 1992 như sau: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.”[77]

Trên cơ sở đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từ luật, pháp lệnh đến các văn bản dưới luật, nhằm thể chế hoá đường lối chính sách của Đảng thành pháp luật, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật đã thu được nhiều kết quả thiết thực. Sự phát triển của hệ thống pháp luật đã từng bước tạo cơ sở cho việc Nhà nước thực hiện quản lý bằng pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam từ năm 1945 đến nay, nước ta đã xây dựng và ban hành được một Chiến lược về "xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" theo Nghị quyết số 48- NQ/TW ngày 24/5/2005. Đây là một chiến lược có tính dài hạn, là định hướng chính trị cơ bản cho việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, ngày 07 tháng 11 năm 2006, Việt Nam đã chính thức được kết nạp vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới, nước ta đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện công khai minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X đã thảo luận và thông qua những chủ trương, chính sách lớn để phát triển nhanh và bền vững sau khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu là “Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với các nguyên tắc, quy định của Tổ chức Thương mại thế giới” [65, tr.48], nhằm hình thành nhanh và đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các cam kết.

Riêng lĩnh vực đầu xây dựng, tại Nghị quyết số 36/2004/QH11 ngày 3/12/2004 về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước, Quốc hội đã yêu cầu: “Thực hiện tổng rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, hình thành hệ thống pháp luật đồng bộ hơn, có tính pháp lý cao hơn” [80].

Tại Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: “rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng để sửa đổi ngay những bất cập làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, xây dựng...”. [60]

Hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng là hoạt động cơ bản, đầu tiên của chu trình quản lý nhà nước, tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng, thúc đẩy quá trình tham gia đầu tư xây dựng của các thành phần kinh tế. Nhà nước xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng; quy định những nội dung quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng...

Trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng có tầm quan trọng đặc biệt nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế của pháp luật về đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng và đặc biệt là tạo điều kiện cho công tác quản lý văn bản, cho việc sử dụng, áp dụng văn bản, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước bằng pháp luật về đầu tư xây dựng ở Thành phố Hà Nội potx (Trang 27 - 29)