Thứ nhất, tình hình kinh tế - xã hội thay đổi. Nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện từng ngày là kết quả của những nỗ lực không ngừng của toàn đảng, toàn dân và khẳng định sự phát triển của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân khách quan dẫn đến những quy định của pháp luật không theo kịp và sớm bị lạc hậu so với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thực tế và văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật này.
Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền địa phương chậm được ban hành. Kể từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được Quốc hội thông qua tháng 12/2004 và có hiệu lực từ ngày 1/4/2005 thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương mới thực sự được điều chỉnh bởi một văn bản luật. Tuy nhiên, sau gần hai năm Luật này được thong qua, ngày 6/9/2006 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 91/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật này. Chính sự chậm trễ này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thành phố Hà Nội.
Thứ ba, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương ban hành còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu cụ thể. Khi nội dung văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương quy định không cụ thể sẽ dẫn tới tính trạng hiểu sai nội dung quy định. Khi nội dung văn bản quy phạm pháp
luật của cơ quan nhà nước ở trung ương còn mâu thuẫn, chồng chéo thì văn bản hướng dẫn của địa phương phù hợp với văn bản này sẽ không phù hợp với văn bản kia. Do đó, đã xảy ra tình trạng chính quyền địa phương ban hành văn bản không phù hợp với quy định của cấp trên, không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ tư, kinh phí và các điều kiện vật chất phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật còn bất cập. Theo quy định thì để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực hiện rất nhiều hoạt động như: tổng kết tình hình thi hành pháp luật, khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu liên quan đến dự thảo; chuẩn bị đề cương, biên soạn, chỉnh sửa dự thảo; lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan... Mỗi hoạt động này muốn triển khai có hiệu quả cần phải có kinh phí. Đồng thời, việc rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đòi hỏi kinh phí để bảo đảmthực hiện. Tuy nhiên, kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng với yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, mức chi đối với công tác soạn thảo văn bản không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn.